Thực tập là giai đoạn chuyển tiếp của các bạn sinh viên từ môi trường học tập ra xã hội thực tiễn. Không chỉ quan trọng với sinh viên chuẩn bị ra trường mà rất nhiều bạn sinh viên mới năm 1, năm 2 cũng đăng ký đi thực tập tại một công ty hoặc doanh nghiệp nào đó. Các công ty thường có nhiều yêu cầu khác nhau đối với thực tập sinh, nhưng cũng cần phải quan tâm đến nguyện vọng và nhu cầu của chính các bạn thực tập sinh với công ty. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem sinh viên thực tập mong muốn nhận được gì từ phía nhà tuyển dụng nhé!
- Kinh nghiệm thực tế
Điều đầu tiên sinh viên mong muốn là có được các kinh nghiệm thực tế: cách làm việc ở một công ty, cách áp dụng những kiến thức đã học vào trong công việc, tác phong làm việc… Thế nhưng nhiều công ty lại lo ngại các thực tập sinh “mới toe” này không biết việc, làm sẽ sai chỗ nọ, hỏng chỗ kia nên không giao việc cho họ theo đúng vị trí thực tập, mà chỉ là công việc pha trà rót nước, lau bàn lau ghế, photo giấy tờ,… rồi ngồi chơi game, nghe nhạc. Đến hết kì thực tập thì họ chỉ cần copy số liệu trên mạng, hoặc công ty cho số liệu làm báo cáo, thế là xong. Thời gian thực tập trở nên vô nghĩa, vô bổ, không mang lại ích lợi gì.
Mỗi bạn sinh viên đến với công ty đều mong công ty sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy những khả năng, kiến thức mà mình có, cho họ ở trong một môi trường làm việc thật sự. Các nhà tuyển dụng nên quan tâm và tin tưởng thực tập sinh của mình hơn.
- Sự quan tâm và hướng dẫn
Đi thực tập là bước vào một môi trường hoàn toàn mới mẻ và đầy những thứ lạ lẫm. Hẳn các bạn sinh viên sẽ cảm thấy rất bỡ ngỡ. Đa phần họ sẽ ngại tiếp xúc với những người xung quanh, ngại hỏi khi không biết làm. Công ty cần phân công người training và hỗ trợ, sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho thực tập sinh. Không phải cứ vứt cho họ một mớ công việc ra đó rồi bỏ mặc họ tự xoay sở là tốt. Nên thường xuyên nói chuyện, hỏi han, gợi mở để họ bớt đi sự dè dặt, nhanh chóng làm quen với môi trường và hòa đồng với mọi người. Khi họ làm sai thì cũng nhẹ nhàng, từ tốn chỉ bảo, không nên mắng mỏ, quát nạt, làm cho họ càng khép mình thêm. Sự hỗ trợ đầy tâm lí của công ty chắc chắn sẽ giúp các bạn sinh viên tự tin và thoải mái hơn rất nhiều.
- Các khoản hỗ trợ
Sinh viên thì thường không có nhiều tiền mà chủ yếu dựa vào sự chu cấp từ phụ huynh. Vì vậy giữa việc đi thực tập mà không có một khoản phí hỗ trợ nào với việc đi làm thêm có lương như bưng bê phục vụ ở quán cafe hay gia sư thì chắc chắn nhiều bạn sinh viên sẽ chọn việc đi làm thêm. Thực tập không lương không phải là không có cái lợi. Nhưng đối với sinh viên, việc đánh đổi công sức của mình chỉ để lấy kinh nghiệm thì chỉ khi công việc đó là việc họ thực sự yêu thích mà thôi. Như vậy, phần nào ý nghĩa của việc thực tập đã bị giảm đi, và thực tập không lương dễ gây sự chán nản, dẫn đến hiệu quả làm việc cũng kém đi hơn. Nếu công ty có sự hỗ trợ, dù chỉ một chút kinh phí nhỏ cho việc đi lại thôi, cũng sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần và động lực đáng kể cho thực tập sinh để họ có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Để có một kì thực tập thành công cho cả nhà tuyển dụng và sinh viên, các nhà tuyển dụng nên chú ý hơn đến những mong muốn chính đáng từ phía các bạn sinh viên thực tập và đáp ứng phần nào những mong muốn đó. Chúc các bạn sẽ có một khoảng thời gian thực tập đáng nhớ!
Tìm việc làm ngay!
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)