Đồng hồ sinh học ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động hằng ngày của chúng ta. Đối với việc học cũng không ngoại lệ. Bạn đã biết cách học theo đồng hồ sinh học chưa? Cùng JobsGO tìm hiểu nhé!
Mục lục
1. 4h30-6h sáng: khung giờ vàng cho các môn học thuộc
Sáng sớm là khoảng thời gian bạn vừa khởi động sau một đêm nghỉ ngơi. Não bộ của bạn lúc này đang ở trong tình trạng thư thái và “vận động nhẹ nhàng” trước khi bắt đầu một ngày làm việc. Cùng với môi trường sáng sớm thường trong lành và nhiệt độ cũng lý tưởng, não bộ được tạo điều kiện đủ để tiếp thu những kiến thức thuần túy học thuật, không cần tư duy quá nhiều. Đó là lý do vì sao đây lại là khung giờ vàng cho việc học thuộc lòng.
Nói một cách đơn giản, bạn sẽ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động và không cần phản hồi quá nhiều. Học thuộc các định nghĩa, kiến thức cố định chính là ví dụ. Việc này cũng giống như một đứa trẻ, chúng dễ dàng tiếp thu những điều mới lạ mà không cần quá nhiều tư duy. Tương tự như vậy, việc tư duy quá nhiều ngay từ lúc sáng sớm sẽ khiến não bạn bị thụ động vì bị “tấn công” bất ngờ khi chưa kịp khởi động.
2. 7-10h: Thời gian dành cho các môn “nhiều chữ”
Sau khi não bộ đã khởi động xong, thời gian tiếp theo chính là lúc dành cho các môn học xã hội, “nhiều chữ”. Lý giải cho việc này chính là cơ chế vận hành của một bộ máy thông thường. Tốc độ khởi động ban đầu bao giờ cũng chậm hơn, bộ máy ấy cần thời gian tăng tốc dần đều trước khi đạt giới hạn cao nhất. Như vậy, sau khi học thuộc lòng một cách thụ động, bạn nên để bộ não học những môn xã hội, nhiều kiến thức nhưng không yêu cầu quá nhiều suy nghĩ tầng lớp phức tạp.
Cách học trong khoảng thời gian này cũng không quá phức tạp. Bạn chỉ đơn giản là tiếp nhận kiến thức và hiểu chúng. Phạm vi kiến thức này không yêu cầu não bạn phải “nhảy số” liên tục, chúng thực sự thích hợp cho việc khởi động não trước khi học các môn tự nhiên.
3. 14-17h: Những môn đòi hỏi tư duy nên học lúc này
Sau khi não bạn đã hoàn toàn được khởi động thì lúc này là thời điểm thích hợp để bạn học những môn yêu cầu tư duy logic phức tạp. Những môn học như toán-lý-hóa nên được tận dụng học trong khoảng thời gian này. Đây chính là lúc não bạn đủ nhạy để tính toán các con số và không muốn tiếp nhận thêm quá nhiều kiến thức dài dòng nữa,
Thế nhưng, dù là khoảng thời gian thích hợp thì cách học tập cũng cần được lưu ý. Bạn đã tải qua nửa ngày học rất nhiều kiến thức có phần khô cứng, vậy thì hãy dành 15-30p giữa trưa để não và mắt được nghỉ ngơi, một giấc ngủ ngắn sẽ giúp não bạn được tiếp thêm năng lượng. Khi học các môn tự nhiên lúc này, bạn cần tích cực, khuyến khích bản thân tính toán, tư duy nhiều hơn. Khi não đang ở tình trạng nhanh nhạy nhất, bạn nên rèn luyện, tận dụng để não quen với việc học các con số. Điều này sẽ giúp não quen với cường độ học và đến lúc ôn thi nước rút sẽ dễ dàng hơn.
4. 20h-23h: Khoảng thời gian dành cho bài tập
Một ngày dài mệt mỏi thật sự đã trôi qua như thế. Dù vậy thì bạn vẫn còn việc phải làm, đó là học tối. Chúng ta trước đây vẫn nghĩ rằng học tối thì làm bài tập về nhà là điều đương nhiên. Thế nhưng lại chưa biết cách sắp xếp các bài tập này.
Khi bạn làm bài tập buổi tối, bạn không nên ép não mình phải học thuộc hay cố học lại những kiến thức trên lớp. Não bạn lúc này vẫn hoạt động nhưng đang trong giai đoạn “buồn ngủ”. Chúng không tiếp nhận những thứ nhàm chán nữa và bạn sẽ nhanh chóng thấy mệt mỏi vì phải học quá nhiều. Hãy sắp xếp và làm bài tập, học lại kiến thức qua bài tập thay vì xem lý thuyết. Não sẽ tiếp nhận các thử thách và dễ dàng tư duy hơn. Các môn học thuộc lòng bạn nên sắp xếp lại, đánh dấu và để thời gian học vào sáng hôm sau. Đi ngủ sớm hơn, dậy sớm hơn để tận dụng tốt thời gian “vàng” của mình.
5. Không nên học đêm hay bị xao nhãng bởi điện thoại
Đồng hồ sinh học ảnh hưởng rất nhiều đến cả sức khỏe và tinh thần của bạn. Khi bạn thức đêm, chiến đồng hồ đó sẽ dần không còn hoạt động ở trạng thái tốt nhất nữa. Vậy nên, thay vì học đêm, bạn nên ngủ sớm và tận dụng thời gian buổi sáng. Khung giờ “vàng” chỉ thực sự có giá trị khi bạn biết cách tận dụng chúng một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh việc học đêm thì nghịch điện thoại cũng là một điều rất không tốt. Bị xao nhãng khiến bạn khó tập trung và giảm năng suất học tập. Thời gian học bị kéo dài và bạn tiếp tục thức đêm nhiều hơn. Các thói quen xấu tác động qua lại và dần nuôi lớn nhau. Đó thực sự là một viễn cảnh không ổn chút nào, đặc biệt đối với ai đang ôn thi.
Việc học luôn rất quan trọng đối với chúng ta nhưng cách học hiệu quả mới chính là điều tạo nên sự khác biệt. Tận dụng đúng cách, đúng thời gian sẽ giúp bạn học hiệu quả hơn mà vẫn đảm bảo việc nghỉ ngơi của mình. JobsGO mong rằng bài viết này thật sự hữu ích dành cho bạn. Chúc các bạn có một kỳ thi đại học thật suôn sẻ và hiệu quả nhé!
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)