Gaslighting là gì? Dấu hiệu gì nhận biết bạn đang bị thao túng tâm lý

Đánh giá post

Các vấn đề về sức khỏe tinh thần như Gaslighting đang ngày càng được nhiều người biết tới. Đó là một điều tốt, bởi việc nhận biết về hành vi lạm dụng tình cảm có thể giúp mọi người tránh được các mối quan hệ không lành mạnh. Tuy nhiên, trước khi buộc tội ai đó, điều quan trọng là bạn phải hiểu được Gaslighting là gì và biểu hiện thực sự của nó ra sao.

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về Gaslighting và cách để đối phó với hành vi này.

Gaslighting là gì? Gaslighting là một hành vi thao túng tâm lý.

1. Gaslighting là gì?

Gaslighting là gì? Gaslighting là một hình thức lạm dụng tình cảm. Trong đó, kẻ lạm dụng sử dụng thông tin sai sự thật khiến nạn nhân cảm thấy lo lắng; sau đó dẫn đến nghi ngờ năng lực của chính mình và mất dần cảm nhận về thực tế.

Thuật ngữ này xuất phát từ vở kịch “Gaslight” năm 1938, sau đó được phát hành dưới tên phim “Gaslight” năm 1940 và 1944. Câu chuyện kể về một người chồng cô lập và thao túng vợ mình với mục tiêu cuối cùng là quản lý cô ấy.

Tiến sĩ Robin Stern – Phó giám đốc của Trung tâm Yale về Trí tuệ Cảm xúc, đã đưa thuật ngữ “Gaslight” vào đời sống với cuốn sách “The Gaslight Effect” được xuất bản năm 2007.

2. Tác hại của Gaslighting

Ban đầu, Gaslighting khiến nạn nhân cảm thấy:

  • Lo lắng
  • Phiền muộn
  • Nghi ngờ về bản thân

Những vấn đề này khá nguy hiểm dưới góc độ tâm lý. Cách một người nhìn nhận bản thân ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của người đó. Nó ảnh hưởng đến cách họ tương tác với những người xung quanh và theo đuổi mục tiêu.

Theo thời gian, kiểu thao túng này có thể làm suy giảm lòng tự trọng và sự tự tin của nạn nhân, khiến nạn nhân bị phụ thuộc vào kẻ lạm dụng. Khi đó họ sẽ rất dễ bị lo âu, trầm cảm và mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.

Gaslighting không chỉ đơn thuần là một hình thức thao túng tâm lý mà nó còn là con đường khiến nạn nhân mất đi chính mình.

Gaslighting khiến nạn nhân cảm thấy căng thẳng, lo lắng, nghi ngờ bản thân.

3. Dấu hiệu nhận biết Gaslighting

Có một số dấu hiệu cảnh báo rằng người yêu, bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn đang thực hiện Gaslighting với bạn.

  • Nhấn mạnh rằng bạn đã nói hoặc làm những điều mà bạn không làm.
  • Phủ nhận ký ức của bạn về các sự kiện.
  • Nói rằng bạn “quá nhạy cảm”, “hoang tưởng” khi bạn nói về mối quan tâm của bạn.
  • Nói với người khác rằng họ nghi ngờ về cảm xúc, hành vi, trạng thái của bạn.
  • Vặn vẹo điều bạn nói để đổ lỗi cho bạn.
  • Nhấn mạnh rằng họ đúng và từ chối lắng nghe quan điểm của bạn.

4. Ví dụ về Gaslighting

Những tình huống dưới đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về Gaslighting.

4.1 Gaslighting chốn công sở

Mai và Lan được cân nhắc trở thành trưởng nhóm của một dự án lớn. Kết quả, Mai là người được lựa chọn và Lan sẽ hỗ trợ Mai thực hiện dự án đó.

Trong vài tuần, Mai thấy tài liệu biến mất khỏi bàn làm việc, các email quan trọng không được gửi đến hòm thư. Khi Mai hỏi Lan xem cô ấy có thấy tài liệu ở đâu không, cô ấy tỏ ra rất tức giận và nói: “Bạn đang buộc tội tôi lấy tài liệu của bạn? Hãy nhớ rằng tôi được giao nhiệm vụ hỗ trợ bạn hoàn thành dự án này. Tại sao tôi lại phải làm điều gây hại cho cả bạn và tôi?“.

Sau đó vài tuần, khi Mai hỏi về những tài liệu bị thiếu khác, Lan nói: “Tôi thấy gần đây bạn có vẻ rất căng thẳng. Đây là một dự án lớn, không phải ai cũng gánh vác được trách nhiệm“.

Trong trường hợp này, Lan đang cố gắng hạ thấp Mai và khiến Mai tự cảm thấy nghi ngờ về năng lực của mình.

Kẻ thao túng nói những điều không đúng sự thật để nạn nhân mất lòng tin.

4.2 Gaslighting trong tình yêu

  • “Anh làm điều đó vì anh yêu em”.
  • “Hãy tin anh, anh luôn làm những điều tốt nhất cho em”.
  • “Em sẽ chẳng bao giờ tìm được ai tốt với em như anh”.
  • “Em không biết cách chi tiêu, đó là lý do vì sao anh phải là người giữ tiền”.
  • “Sao anh lại dám nghi ngờ tôi. Tôi làm việc cả ngày và về nhà để dành thời gian cho anh, nhưng anh không bao giờ trở về nhà đúng giờ. Anh nói rằng anh làm việc, nhưng ai biết anh thật sự đang ở đâu? Có thể chính anh mới là kẻ ngoại tình. Anh ngoại tình nên anh nghĩ ai cũng như anh và giờ anh buộc tội tôi”.

Đây là những câu nói thường được nói ra bởi những kẻ thao túng – những kẻ đang cố gắng hạ thấp người yêu, khiến đối phương trở nên tự ti và không thể rời xa họ.

4.3 Gaslighting với gia đình

Việt sống với gia đình và mẹ của anh ấy không thích việc anh ấy đi chơi về muộn. Một ngày, mẹ Việt nói với anh ấy: “Con đã nói rằng con sẽ về nhà sau giờ làm việc tối nay và đưa mẹ đi mua thuốc“. Khi Việt nói rằng anh ấy không nhớ về điều đó, bà lắc đầu và nói: “Con đứng ngay cửa khi nói chuyện với mẹ“.

Sau đó, Việt tình cờ nghe thấy mẹ nói chuyện với bố: “Em cảm thấy lo lắng cho con, thằng bé thậm chí không thể nhớ cuộc trò chuyện sáng nay“.

Các tình huống tương tự lặp đi lặp lại và rồi Việt tự hỏi bản thân: liệu mình có đang quên mọi thứ hay không.

5. Cách đối phó với Gaslighting

Nếu bạn nhận thấy dường như mình đang trở thành nạn nhân của hành vi Gaslighting, có một số cách bạn có thể áp dụng để chống lại điều đó.

5.1 Kết thúc mối quan hệ (nếu có thể)

Nếu bạn cảm thấy mình đang đánh mất bản thân trong một mối quan hệ, bạn nên cắt đứt mối quan hệ đó. Hoặc ít nhất bạn nên dừng giao tiếp, hạn chế tiếp xúc với kẻ thao túng trong một khoảng thời gian. Rời xa những người khiến bạn lo lắng, mất tự tin cho phép bạn có thêm thời gian để tin tưởng chính mình và cân bằng cảm xúc.

Hãy rời xa kẻ thao túng nếu có thể.

5.2 Lưu bằng chứng về các sự kiện đã diễn ra

Bạn nên ghi lại các sự kiện ngay sau khi trải qua chúng. Những ghi chép này sẽ trở thành bằng chứng giúp bạn nhận ra điều gì thật sự xảy ra thay vì đoán già đoán non và nghi ngờ về trí nhớ của mình.

Theo National Domestic Violence Hotline (Mỹ), chúng ta có thể thu thập bằng chứng theo một số cách.

  • Viết nhật ký
  • Ghi âm
  • Chụp ảnh
  • Gửi email: gửi bằng chứng qua email cho một người đáng tin cậy và xóa mail đã gửi để đảm bảo an toàn.

5.3 Hỏi ý kiến những người bạn tin tưởng

Nếu bạn nghi ngờ mình trở thành nạn nhân của Gaslighting, bạn có thể nói chuyện với những người mà bạn tin tưởng – người không liên quan đến hành vi thao túng. Họ có thể giúp bạn:

  • Phân tích vấn đề để xem bạn có đang thật sự mắc sai lầm, hay “hoang tưởng” hay không.
  • Hỗ trợ tinh thần để vượt qua khó khăn về mặt cảm xúc.

Gaslighting ngày càng trở nên phổ biến. May mắn thay, nó không khó để nhận ra. Nếu bạn cảm thấy dường như mình đang phải đối mặt với hành vi thao túng tâm lý này, hãy áp dụng các cách được hướng dẫn trên để chống lại nó và lấy lại sự tự do cho “tâm hồn” mình. Qua bài viết trên chắc hẵn bạn đã hiểu Gaslighting là gì? Hãy cùng theo dõi những bài viết của Jobsgo nhé

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: