Chuyên viên chính là một chức danh của cán bộ công chức hành chính thuộc bộ máy nhà nước. Chức danh này thường xuất hiện từ cấp huyện trở lên và chịu trách nhiệm xử lý những công vụ quan trọng. Để hiểu cụ thể hơn chuyên viên chính là gì và tiêu chuẩn thi chuyên viên chính như thế nào, hãy tham khảo bài viết sau ngay nhé.
Mục lục
Chuyên viên chính là gì?
Trước khi tìm hiểu về thuật ngữ chuyên viên chính là gì, bạn cần hiểu “chuyên viên là gì?” và “ngạch chuyên viên là gì?”. Chuyên viên là công chức hành chính có chuyên môn về một lĩnh vực trong bộ máy nhà nước từ cấp huyện trở lên.
Chuyên viên là người có trách nhiệm lên kế hoạch, tổng hợp và thực hiện chính sách theo ngành cho từng địa phương.
Mỗi bộ máy với nhiều chuyên viên được chia thành các ngạch chuyên viên. Ngạch chuyên viên bao gồm các cá nhân chuyên môn cao cùng làm việc trong một đơn vị tổ chức để quản lý một lĩnh vực hoặc vấn đề chuyên môn liên quan. Các ngạch chuyên viên bao gồm:
- Ngạch Chuyên viên cao cấp
- Ngạch Chuyên viên chính
- Ngạch Chuyên viên
Vậy chuyên viên chính là gì? Chuyên viên chính hoặc tương đương là một phần trong ngạch chuyên viên. Mã ngạch chuyên viên chính là 01.002 (Theo khoản 1 điều 6 Thông tư 2/2021/TT-BNV). Chuyên viên chính bao gồm công chức hành chính có chuyên môn nghiệp vụ cao trong các đơn vị, cơ quan tham mưu, tổng hợp như Thanh tra viên chính, Kiểm toán viên chính, Kế toán viên chính…
Sau khi đã rõ chuyên viên chính là gì rồi thì bậc lương của chuyên viên chính ra sao? Cùng tiếp tục tìm hiểu ở phần tiếp theo bạn nhé!
👉 Xem thêm: Chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân là gì? Kỹ năng cần có
Nhiệm vụ của chuyên viên chính
Theo quy định tại khoản 2 điều 6 Thông tư số 2/2021/TT-BNV, nhiệm vụ cụ thể của chuyên viên chính bao gồm:
- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng, hoàn thiện thể chế hoặc cơ chế quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ được giao quản lý.
- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng quy định, quy chế quản lý nghiệp vụ của ngành, lĩnh vực, địa phương; nghiên cứu, xây dựng đề tài, đề án, công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức.
- Chủ trì hoặc tham gia tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý.
- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách chuyên môn nghiệp vụ; tham gia đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.
👉 Xem thêm: Mô tả công việc chuyên viên tài chính
Tiêu chuẩn thi chuyên viên chính 2024
Tiêu chuẩn thi chuyên viên chính 2024, có nhiều sự khác biệt so với những năm trước. Bộ tiêu chuẩn thi chuyên viên năm 2024 có nhiều quy định cụ thể hơn như sau:
Xét về phẩm chất, đạo đức
Người thi chuyên viên phải là người có bản lĩnh thực sự, kiên định tin theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; tuyệt đối trung thành với Đảng và nhà nước; bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.
Người thi chuyên viên chính phải đảm bảo có những phẩm chất theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Xét về năng lực làm việc
Người thi chuyên viên chính phải là người đã có chuyên môn, hiểu biết về những lĩnh vực cần làm. Cụ thể như sau:
- Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý.
- Có thể tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, những dự án ở các địa phương công tác.
- Hiểu biết về các quy định, chế độ và chính sách của Nhà nước.
- Linh hoạt trong tác phong làm việc, có thể làm việc một cách độc lập và làm việc theo nhóm trong cơ quan.
- Có kiến thức về công nghệ thông tin, ngoại ngữ hoặc các ngôn ngữ của dân tộc thiểu số nơi công tác.
- Có khả năng cập nhật thông tin nhanh chóng, cập nhật những kiến thức mới.
Xét về bằng cấp, trình độ
Trong năm 2024, tiêu chuẩn thi chuyên viên chính đã không còn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, các văn bằng, chứng chỉ thạc sỹ quản lý hành chính công, tiến sĩ quản lý hành chính công. Cụ thể hơn:
- Yêu cầu công chức thi tuyển có tối thiểu bằng đại học ở các chuyên ngành phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
- Thí sinh dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có chứng chỉ nâng ngạch kiến thức phù hợp với tiêu chuẩn ngạch chuyên viên hoặc trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Như vậy, có thể thấy, tiêu chuẩn thi chuyên viên chính đã có nhiều điểm đột phá nhằm giảm đi những quy trình phức tạp trong thi tuyển mà vẫn đảm bảo được năng lực thực tế của chuyên viên tại các vị trí việc làm.
Bậc lương của chuyên viên chính
Bậc lương chuyên viên chính là các mức thăng tiến về lương của người chuyên viên theo từng cấp bậc. Không phải tất cả các chuyên viên chính đều được hưởng một bậc lương như nhau. Mỗi một cấp bậc lương khác nhau sẽ có hệ số lương tương ứng nhất định.
Từ đó, có thể thấy, mức lương của các chuyên viên sẽ là sự phân cấp thứ bậc trong hệ thống cơ quan, bộ máy nhà nước. Mỗi cấp bậc sẽ được tính theo hệ số lương khác nhau. Điều này cũng có nghĩa là khi bậc lương càng cao thì tương ứng với đó là mức lương thực lĩnh của người đó sẽ càng cao.
Quyền lợi của chuyên viên chính là hưởng mức theo theo công thức loại A2. Do đó, bậc lương của chuyên viên chính như sau:
Bậc lương của chuyên viên chính | ||||||||
Bậc | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Hệ số lương | 4.4 | 4.74 | 5.08 | 5.42 | 5.76 | 6.1 | 6.44 | 6.78 |
Mức lương | 6.556 | 7.063 | 7.569 | 8.076 | 8.582 | 9.089 | 9.596 | 10.102 |
Trên đây là toàn bộ những thông tin JobsGO cung cấp liên quan đến chuyên viên chính. Tiêu chuẩn thi chuyên viên chính khá cao, đòi hỏi cả về phẩm chất đạo đức, năng lực làm việc và bằng cấp chuyên môn. Nếu muốn thi chuyên viên chính, bạn phải tích cực rèn luyện để phù hợp với những tiêu chí trên.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)