Bạo lực lạnh nơi công sở – làm sao để nhận biết?

Đánh giá post

“Bạo lực lạnh” – cụm từ không chỉ sử dụng trong mối quan hệ tình cảm, gia đình mà hiện nay nó còn xuất hiện trong cả môi trường làm việc. Vậy bạn hiểu như thế nào về bạo lực lạnh nơi công sở? Dấu hiệu để nhận biết hành vi này là gì? Hãy cùng JobsGO phân tích và tìm hiểu ngay qua bài viết nhé.

Bạo lực lạnh nơi công sở là gì?

Hiện nay, bạo lực lạnh là tình trạng diễn ra khá phổ biến trong môi trường công sở. Dù chưa có số liệu chính xác hay cuộc điều tra cụ thể nào về vấn đề nhạy cảm này, song theo cuộc khảo sát nhỏ của một trang web tuyển dụng từ Trung Quốc thì có tới gần 50% nhân viên được hỏi cho biết, họ đã từng hoặc đang ở trong tình trạng bị bạo lực lạnh. Vậy bạo lực lạnh tại môi trường công sở là gì?

Có thể khái quát đơn giản đây chính là việc cấp trên hoặc tập thể đồng nghiệp sử dụng các hành vi phi bạo lực để chỉ trích, công kích hay thậm chí là đình chỉ công tác đối phương. Điều này gây ra tâm lý hoảng loạn, bất an và tổn hại đến tinh thần của những người bị công kích.

Bạo lực lạnh nơi công sở là gì?

Cụ thể, những nhân viên rơi vào tình trạng này thường có cảm giác buồn chán, mệt mỏi, lo lắng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc của họ. Có những người đã áp dụng lại chính phương pháp “bạo lực lạnh” với hành động công kích, chỉ trích đối phương. Tuy nhiên, hầu hết đều không mang lại kết quả tốt đẹp và họ đã phải lựa chọn giải pháp cuối cùng là nghỉ việc.

👉 Xem thêm: Toxic là gì? Dấu hiệu bạn đang làm việc trong một môi trường độc hại

Nhận biết bạo lực lạnh nơi công sở như thế nào?

Bạo lực lạnh dù không gây tổn hại về mặt vật chất nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của các “nạn nhân”. Vậy làm sao để nhận biết được hành vi bạo lực lạnh nơi công sở?

Dấu hiệu từ người có hành vi bạo lực lạnh

Với những người gây ra bạo lực về tinh thần cho người khác, bạn có thể nhận biết thông qua những dấu hiệu sau:

Dấu hiệu từ người có hành vi bạo lực lạnh
  • Sếp gọi nhân viên vào văn phòng và có thái độ, lời nói khó nghe, thô thiển, chì chiết nhân viên. Những lời nói này nhằm mục đích làm nhục mạ, hạ thấp nhân viên. Toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện thường sẽ xoay quanh lỗi lầm của người đó và bị làm quá lên dù thực tế nó không đến mức như vậy.
  • Sếp hoặc đồng nghiệp tìm cách để nói xấu, cô lập nhân viên nào đó, cố gắng để giao cho họ rất nhiều việc khiến họ bị quá sức và không thể làm tốt tất cả các nhiệm vụ.
  • Hành vi thăm dò, chỉ trích các hành động của người nào đó ngay cả khi họ chưa chắc đã làm sai cũng được xem là hành vi bạo lực lạnh nơi công sở.
  • Sếp hay đồng nghiệp sỉ nhục, lăng mạ một người trước mặt nhiều người khác.
  • Hành vi đánh giá thấp năng lực của nhân viên, đồng nghiệp dù thực tế họ cũng không quá tệ, thậm chí còn khá tốt so với nhiều người khác.
  • Đồng nghiệp, cấp trên thường xuyên sử dụng từ ngữ làm bạn cảm thấy bị tổn thương, thậm chí bạn phải nghi ngờ chính mình.
  • Hành vi sàm sỡ, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội được xem là bạo lực lạnh nơi công sở.
  • Hành vi đặt điều, nói xấu về bạn như là “đi cửa sau” vào công ty hay không làm gì nhưng vẫn hưởng lương cao,…
  • Sự phân biệt về tôn giáo, màu da, ngoại hình,… nơi công sở cũng chính là biểu hiện bạo lực lạnh.

👉 Xem thêm: Drama nơi công sở: Khi năng lực được đánh giá bằng mối quan hệ “gia đình”

Dấu hiệu từ người bị bạo lực lạnh nơi công sở

Ngoài những dấu hiệu từ người có hành vi bạo lực lạnh nơi công sở, bạn cũng có thể nhận biết nếu bản thân có những biểu hiện sau:

Dấu hiệu từ người bị bạo lực lạnh nơi công sở
  • Luôn sống trong sự lo lắng, sợ hãi, áp lực, mệt mỏi, không muốn đi làm, nhất là những ngày đầu tuần.
  • Có biểu hiện tăng huyết áp, thậm chí là khó thở mỗi khi đến công ty làm việc.
  • Thường xuyên gặp phải ác mộng liên quan đến công việc, đồng nghiệp, công ty.
  • Có triệu chứng mất ngủ, khó ngủ, rối loạn về giấc ngủ sau mỗi ngày đi làm về.
  • Bị ám ảnh mỗi khi nghĩ đến những công việc, thứ liên quan đến công ty, ví dụ như chuông tin nhắn ở các ứng dụng (zalo, skype, viber,…).
  • Luôn rụt rè, ngại đám đông, không dám trò chuyện hay làm việc riêng trên công ty.
  • Bạn có thể bị cô lập, mọi người xa lánh ở công ty.

Làm sao để vượt qua tình trạng bạo lực lạnh nơi công sở?

Bạo lực lạnh nơi công sở là điều khá tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế lại không có quy định xử phạt nào cho những hành vi này. Vậy những người bị rơi vào cảnh này sẽ phải làm sao để vượt qua? JobsGO sẽ bật mí cho các bạn một số bí quyết.

Hãy mạnh dạn lên tiếng ngay từ đầu

Một trong những lý do khiến bạn bị bắt nạt, chỉ trích thường xuyên chính là không chịu lên tiếng. Khi bạn cứ im lặng, những người đó sẽ được đà làm tới, tiếp tục chèn ép, có hành vi bạo lực khiến tinh thần bạn bị khủng hoảng. Việc “dĩ hòa vi quý” sẽ càng làm cho tình trạng này thêm tồi tệ mà thôi. Chính vì vậy, nếu bản thân đang chịu cảnh bạo lực lạnh nơi công sở, bạn đừng ngần ngại, hãy tự cứu lấy mình bằng cách lên tiếng, khẳng định giá trị để những người khác biết. Chí ít, bạn cũng chứng tỏ được mình không phải là người dễ bị bắt nạt, ai nói gì hay làm gì cũng được.

Riêng với trường hợp người “bạo lực lạnh” với bạn là sếp, bạn cần có buổi trò chuyện kín, tránh nói trước mặt nhiều nhân viên khác. Bạn nên tỏ thái độ nghiêm túc, trình bày rõ ràng các vấn đề, đảm bảo bản thân mình sẽ luôn làm tốt, đạt được kết quả như sếp mong muốn. Có như vậy, sếp mới có thể thay đổi suy nghĩ về bạn và không hạ thấp bạn nữa.

👉 Xem thêm: 3 cách hàng đầu để “trả thù” kẻ xấu chốn công sở

Tự tin khẳng định năng lực của bản thân

Làm sao để vượt qua tình trạng bạo lực lạnh nơi công sở?

Để không bị chì chiết, chỉ trích hay xem thường năng lực, bạn cần chứng minh bản thân mình. Thay vì quá để tâm đến những điều không tốt từ mọi người xung quanh, bạn hãy tự tạo động lực để tiến về phía trước. Khi bạn đã đạt được thành tích tốt trong công ty, tự khắc sếp hay đồng nghiệp sẽ thay đổi cái nhìn về bạn. 

Đối với cấp trên luôn tìm cách để hạ thấp, bắt nạt, bạn càng phải chứng tỏ năng lực, cho họ thấy mình đủ khả năng làm tốt công việc, nếu thiếu bạn, công ty sẽ thấy hối tiếc. Chắc chắn trong quá trình làm việc, sếp sẽ tìm cách để làm khó hay soi ra lỗi sai của bạn, vậy nên cách tốt nhất là bạn hãy đảm bảo mọi thứ hoàn hảo, không mắc phải bất kỳ sai lầm nào.

Luôn ghi lại tình hình sự việc

Hiện nay, dù chưa có quy định nào về hành vi bạo lực lạnh nơi công sở nhưng vấn đề xúc phạm danh dự, bịa đặt sai về người khác cũng là tội và có thể xử phạt theo pháp luật. Do đó, để bảo vệ chính mình, bạn hãy thu thập bằng chứng, ghi lại sự việc (quay phim, ghi âm,…), áp đảo lại tình huống.

Trong trường hợp bạn muốn báo cáo hay cho mọi người biết rõ sự việc, thay vì chỉ nói suông, hãy đưa ra bằng chứng cụ thể. Nếu sự việc diễn ra trong nội bộ, bạn có thể đưa thông tin lên quản lý, lãnh đạo cấp cao để họ xử lý.

Chia sẻ với bạn bè, người thân

Đây được xem là một cách để bạn bày tỏ những điều khó chịu, bứt rứt trong lòng. Chia sẻ mọi chuyện với bạn bè hay người thân dù không thể giúp bạn thoát ra khỏi cảnh “bạo lực lạnh”, song bạn cũng sẽ thấy thoải mái, nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Những căng thẳng, áp lực sẽ tan biến khi có người động viên, khích lệ tinh thần. Ngoài ra, họ cũng có thể đưa ra lời khuyên tốt dành cho bạn.

👉 Xem thêm: [Góc công sở] Bỏ túi cách đối phó với kẻ bắt nạt nơi công sở

Tìm kiếm môi trường làm việc mới

Tìm kiếm môi trường làm việc mới

Cách cuối cùng giúp bạn thoát khỏi tình cảnh bạo lực lạnh nơi công sở đó là rời đi, tìm kiếm cho bản thân một công việc, môi trường làm việc mới. Khi bạn đã cố gắng hết sức, nhẫn nhịn, chịu đựng hay lên tiếng nhưng vẫn không thay đổi được gì, bạn có quyền “giải thoát” cho bản thân mình.

Tuy nhiên, để tránh “đi vào vết xe đổ”, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về công ty mới, văn hóa tại đó như thế nào, đồng nghiệp, cấp trên ra sao?,… Tất cả những thông tin này bạn có thể hỏi qua buổi phỏng vấn hoặc tìm trên các trang review công ty, đánh giá từ nhân viên cũ,…

Bạo lực lạnh nơi công sở là vấn đề khó có thể tránh khỏi, điều quan trọng là cách các bạn đối mặt, xử lý như thế nào? Hy vọng những chia sẻ trên đây của JobsGO sẽ hữu ích cho tất cả các bạn nhé.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: