Theo quy định, ngoài những ngày nghỉ lễ, cuối tuần, người lao động còn có thêm 12 – 16 ngày phép năm. Số ngày nghỉ phép người lao động có thể nghỉ theo từng tháng một hoặc cộng dồn lại tùy theo cơ chế của từng công ty. Vậy trong trường hợp xin nghỉ phép nhưng không được chấp thuận, người lao động cần xử lý ra sao để đảm bảo quyền lợi cho mình?
Mục lục
1. Quyền nghỉ phép của người lao động như thế nào?
Theo thông tin từ điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, khi cá nhân người lao động công tác, làm việc tại doanh nghiệp, họ sẽ có quyền nghỉ phép năm, hưởng nguyên lương với điều lệ cụ thể như sau:
- Người lao động làm việc trong điều kiện thường có 12 ngày nghỉ phép/ năm. Với trường hợp thời gian làm việc chưa đủ 1 năm, ngày nghỉ phép tính theo tháng tương ứng, 1 ngày phép/tháng.
- Lao động, làm việc ở điều kiện môi trường độc hại, nguy hiểm, thuộc đối tượng người chưa thành niên, bị khuyết tật sẽ có 14 ngày nghỉ phép/ năm.
- Đối với các trường hợp làm việc cực nặng nhọc, đặc biệt độc hại, nguy hiểm, thời gian nghỉ phép năm là 16 ngày/năm.
Bên cạnh đó, người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp lâu năm, đủ 5 năm có thể được hưởng thêm 1 ngày phép/năm (Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 khẳng định). Khi nghỉ phép năm, người lao động cũng cần có trách nhiệm thông báo, thỏa thuận với doanh nghiệp về việc chia ngày nghỉ thành nhiều lần hay cộng gộp, sắp xếp công việc sao cho tận dụng tốt nhất quyền lợi nghỉ phép của mình.
2. Xin nghỉ phép nhưng không được chấp thuận thì phải làm gì?
Mặc dù có quy định rõ ràng, tuy nhiên một số doanh nghiệp không tuân thủ theo nguyên tắc về cơ chế nghỉ phép của người lao động. Nếu xin nghỉ phép nhưng không được chấp thuận, đồng ý, người lao động muốn đảm bảo quyền lợi của mình cần thực hiện theo các bước sau:
2.1. Làm đơn khiếu nại
Theo nghị định 24/2018/NĐ-CP, khi không được chấp thuận nghỉ phép năm, người lao động có thể khiếu nại với hai lần.
- Lần 1:
- Người lao động hãy làm đơn khiếu nại trực tiếp đến người sử dụng lao động, cụ thể là tới ban giám đốc, lãnh đạo công ty.
- Thời gian để đơn khiếu nại được thụ lý vào khoảng 7 ngày làm việc. Trong khoảng 1 tháng – 45 ngày, vấn đề không được giải quyết hoặc người lao động không chấp nhận cách xử lý của doanh nghiệp, có thể tiến hành gửi đơn khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện ra Tòa án.
- Lần 2:
- Người lao động khiếu nại lần 2 sẽ gửi đơn tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Thời gian khiếu nại lần 2 vào khoảng 30 ngày, kể từ khi đơn khiếu nại lần 1 hết hiệu lực. Tương tự như lần 1, lá đơn khiếu nại được thụ lý trong vòng 7 ngày. Vấn đề được xem xét giải quyết trong thời gian từ 45 – 60 ngày, tính từ điểm nhận thụ lý. Nếu hết thời gian, đơn khiếu nại không được giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với cách xử lý từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì vẫn có thể khởi kiện ra Toà án.
2.2. Tố cáo trực tiếp đến Chánh thanh tra Sở lao động – Thương binh và Xã hội
Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định, người lao động có quyền tố cáo trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp tới Chánh thanh tra Sở lao động – Thương binh và Xã hội. Đi kèm lời tố cáo cần bao gồm bằng chứng doanh nghiệp vi phạm quyền lợi nghỉ phép của người lao động.
Đơn tố cáo sẽ được giải quyết trong thời gian không quá 30 ngày kể từ khi thụ lý. Trong quá trình điều tra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác minh người sử dụng lao động vi phạm luật, công ty sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động buộc phải giải quyết cho người lao động nghỉ phép theo quyền lợi chính đáng.
3. Không cho nhân viên nghỉ phép, công ty có bị phạt không?
Nghỉ phép năm là quyền lợi chính đáng của người lao động đã quy định bằng pháp luật. Do vậy, khi không cho nhân viên nghỉ phép, công ty đang làm sai, vi phạm pháp luật nên bị phạt là điều tất yếu.
Theo khoản 2, Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động không tuân thủ nguyên tắc của pháp luật về nghỉ tuần, năm, lễ, tết, xâm phạm quyền lợi của người lao động sẽ phải chịu phạt hành chính từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Mức phạt này dành cho cá nhân vi phạm. Đối với công ty, khoản phí phạt vi phạm sẽ gấp đôi, từ 20.000.000 – 40.000.000 đồng.
Người lao động qua những giải đáp trong bài viết có thể yên tâm về quyền lợi nghỉ phép năm khi biết cách xử lý khi người sử dụng lao động không tuân thủ pháp luật. Xin nghỉ phép nhưng không được chấp thuận có thể giải quyết bằng hai cách là khiếu nại và tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình, điều quan trọng là người lao động cần nắm rõ quy định của Bộ luật lao động.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)