Từ MV của Sơn Tùng tới tư duy sản phẩm trong kinh doanh

SƠN TÙNG MTP TOP TREND YOUTUBE

5/5 - (1 vote)

Sơn Tùng MTP vẫn thường là nhân vật gây tranh cãi. MV mới nhất của cậu ấy đạt top tăng view cao nhất thế giới!!!

Những người thích nói về nhạc giao hưởng như một cách thể hiện bản thân thì công khai tẩy chay Sơn Tùng (ST). Nhiều người nghe nhạc của ST lần đầu, lắc đầu ngán ngẫm, miệng lẫm nhẫm “Cái quái gì thế này?”. Các bậc phụ huynh cầu nguyện cho con cái họ không phải nghe nhạc Sơn Tùng, và nếu chẳng may phát hiện ra điều đó, họ thấy đất trời như sụp đổ. Họ nói âm nhạc này là giẻ rách, là cái thứ huỷ hoại nghệ thuật, và ST là cái thằng vớ vẩn, tầm thường.

Sơn Tùng cùng 2 ngôi sao quốc tế

Thật ra đó cũng là chuyện rất bình thường trong cuộc sống.

Người giàu nhất Việt Nam (trên giấy tờ) vẫn có thể bị không phải một, hay nhiều, mà là rất nhiều người, nói là “một gã Mafia” không hơn không kém.

Elon Musk trời Tây dù có là siêu nhân, “người ngoài hành tinh” toàn làm những dự án phi thường, siêu tưởng, vẫn dễ dàng bị nhận xét bởi nhiều người (ở ngay tại Mỹ), chỉ là “một thằng lừa đảo” không hơn không kém.

Chúng ta hoàn toàn có thể tự do trình bày quan điểm và góc nhìn của ta về một nhân vật, hay sự kiện, hiện tượng nào đó. Chỉ có điều đó chỉ là “góc nhìn” chứ không phải “sự thật”. “Góc nhìn về sự thật” thì không phải là “sự thật” nhưng rắc rối ở chỗ, ta hay cho rằng đó là sự thật và mình đã nắm được sự thật trong tay mỗi khi bày tỏ góc nhìn hoặc buôn chuyện về một ai đó.

Giống như góc nhìn của nhà thơ với “Trăng sáng” là yêu thích, truyền cảm hứng để sáng tác thi ca, nhưng góc nhìn của thằng ăn trộm trên mái nhà với “Ông Trăng” là căm ghét, phiền toái, vì trăng sáng quá mà nó bị phát hiện rượt đánh suýt chết.

Góc nhìn của người nông dân vụ mùa hạn hán với “Trời mưa” là biết ơn, may mắn, yêu thích. Nhưng góc nhìn của người lái xe máy ngoài đường quên áo mưa bị ướt như chuột lột là bực mình, căm ghét, có khi còn ngửa mặt lên trời nhổ nước bọt, nước bọt không lên tới trời lại rơi trúng ngay mặt mình.

Nếu “Trời mưa” và “Trăng sáng”’chỉ là những sự vật có tính “Không” nhưng lại có nhiều người yêu và kẻ ghét như thế. Kẻ thành công, hay người trần mắt thịt, kể cả các vĩ nhân, thậm chí Thánh nhân trong lịch sử, có nhiều người yêu và cũng nhiều người ghét, là chuyện rất bình thường.

Rất nhiều người yêu Apple, là iFan. Số người anti cũng không ít. Nhưng trong một thời gian rất dài, Apple vẫn là công ty thành công nhất, đổi mới nhất, có lợi nhuận cao nhất, đạt mốc nghìn tỷ vốn hoá sớm nhất, và doanh số iPhone được tiêu thụ vẫn khủng nhất.

Rất nhiều người là fan của MU. Cũng rất nhiều Anti-fan công khai tẩy chay Quỷ đỏ. Nhưng trong một thời gian rất dài, MU vẫn là thương hiệu thể thao có giá trị kinh doanh nhất thế giới.

Càng thành công, càng có nhiều người yêu và cũng… nhiều người ghét. Thật ra, chưa có một người… rất thành công nào mà lại không có nhiều người ghét mình cả.

Rất nhiều người là Sky. Cũng rất nhiều người chửi Sơn Tùng. Âm nhạc của Sơn Tùng vẫn cứ gặt hái từ thành công này đến thành công khác, tạo ra tranh cãi, vươn ra thế giới.

Sơn Tùng là một nghệ sỹ mà cho dù có những tranh cãi nào đi nữa thì tầm ảnh hưởng của anh ta đã vươn ra ngoài đất nước. Không phải so sánh là ngang tầm với nhau, nhưng có đôi chút tương đồng với trường hợp của Apple, MU, Phạm Nhật Vượng, Elon Musk… Thay vì làm việc thật tử tế, người ta dùng thời gian để chửi ông Vượng (trừ góc nhìn của các nhà hoạt động xã hội, vì đó là công việc của họ, và điều đó cũng cần thiết), thì tài sản của ông ấy không phải là 1 tỷ USD nữa, mà đã là 7 tỷ USD rồi.

Người ta cho rằng Sơn Tùng được đánh giá quá cao. Người ta nghe bài hát của ST lần đầu với tâm lý trông đợi, với ảnh hưởng từ những “Lạc Trôi”, “Cơn mưa ngang qua”, “Chạy ngay đi”… và nhận xét là sao bài mới này kém thế. Họ không nhận ra nhạc ST nghe lần đầu lúc nào chẳng là “What the fu**?”, nhưng sau một thời gian, nó len lỏi phố phường, giáo dục tai nghe thị trường, và khi nghe lại nó người ta nói “Sao phê thế?”. Họ không nhận ra cái sự “nguy hiểm” trong âm nhạc đó, cái chất “thiên tài” ở chỗ gây “nghiện ngầm” trong bài hát của ST. Hoá ra, vẫn còn nhiều người… đánh giá quá thấp ST.

Sơn Tùng cùng Snoop Dogg

Tới chuyện sản phẩm trong kinh doanh

Một sản phẩm trong kinh doanh cũng vậy. Có thể có rất nhiều người khen và rất nhiều người chê. Thế còn hơn môt sản phẩm chả ai Chê cả, nhưng cũng chẳng ai Chú ý đến nó cả. Một sản phẩm Thành công là sản phẩm tạo ra hai luồng dư luận trái chiều nhau, một bên yêu thích, một bên thù ghét, và khi hai bên tranh luận với nhau, sản phẩm lại được Viral đi xa hơn nữa

Trong đoạn clip quảng cáo huyền thoại hay nhất mọi thời đại đã hồi sinh Apple từ tro tàn, được giám sát bởi chính Steve Jobs sau khi quay về Apple. Đoạn quảng cáo lướt qua những gương mặt nổi loạn vĩ đại, như Einstein, Martin Luther King, Mahatma Gandhi, Picasso, Edison, Muhammad Ali, Bob Dylan… và đồng thời, giọng đọc trong clip vang lên, điềm tĩnh, truyền cảm, một cách hiển nhiên, tựa như một chân lý:

“Họ điên khùng
Không phù hợp
Nổi loạn
Chuyên gây rắc rối
Họ giống như nồi tròn vung méo
Họ nhìn mọi thứ khác với lẽ thông thường
Họ không ưa các nguyên tắc
Họ làm đảo lộn hiện trạng.

Bạn có thể bất đồng với họ
Vinh danh
Hay đả kích họ
Nhưng bạn không thể không chú ý đến họ.

Bởi họ thay đổi thế giới và đưa nhân loại tiến lên phía trước.
Và trong khi bị coi là những kẻ điên khùng, chúng tôi lại nhìn thấy phẩm chất của thiên tài.
Bởi những người đủ điên để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới.
Là những người đủ khả năng làm điều ấy.

Think Different”

Nguồn: Tạ Minh Tuấn.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: