Startup và Tập đoàn lớn có gì khác nhau?

Đánh giá post

Chủ đề đi làm chọn Startup hay Tập đoàn lớn vẫn luôn là một chủ đề vô cùng nóng hổi, đặc biệt là trong thời điểm các bạn trẻ mới ra trường. Vậy 2 cấp độ doanh nghiệp này có gì khác nhau?

Ảnh: Ilona Rybak

1. Môi trường làm việc

* Startup:

Môi trường làm việc là khái niệm cực kì quan trọng – là khái niệm đầu tiên bạn phải cân nhắc mỗi khí quyết định đi làm ở đâu đó. Thông thường ở Startup, môi trường làm việc cực kì tự do, thoải mái, đa phần là sẽ tích cực, ít thị phi,…

Tự do ở đây đầu tiên sẽ kể đến là tự do đóng góp ý tưởng. Khác với các tập đoàn lớn, ở Startup khi muốn triển khai cái gì, bạn có thể góp ý thẳng đến sếp tổng, có khi ngày hôm sau có thể triển khai luôn mà không cần chờ đủ loại công văn và quyết định từ phía 7749 cấp trên. Bạn muốn học cái gì, cần cái gì mới, miễn là nó phục vụ cho công việc, chỉ cần đề xuất có khi được đi học luôn, đôi khi sếp còn chọn hẳn khóa cho để mà học.

Tự do về trang phục – nhiều startup rất thoải mái về khoản trang phục, miễn là không mất mĩ quan là được.

Tự do về giờ giấc, nhiều bên chỉ quan trọng nhất vấn đề xong việc, giờ giấc của bạn ra sao thì tùy. Nói vậy thì hơi quá, nhưng chính xác thì giờ giấc và ngày nghỉ trong các startup thường sẽ thoải mái hơn nhiều so với các ông lớn thời điểm hiện tại.

* Tập đoàn lớn

Unilever, Samsung, FPT, Shopee, Vingroup, ti tỉ các tập đoàn đa ngành lớn đều có một mô típ chung: quy trình, gò bó.

Tất cả mọi thứ đều có quy trình, chặt chẽ vô cùng và gần như không bao giờ có khả năng lách luật. Việc thanh toán 500 nghìn và 500 triệu đều có quy trình như nhau – ti tỉ các loại giấy tờ, thư từ, hóa đơn, khác ở chỗ ai là người ký và thời gian quyết định ký.

Mọi công việc trong năm đều được lên nguyên 1 kế hoạch sẵn, tiêu bao nhiêu tiền, vào cái gì, sự kiện gì, ra sao đều phải nằm trong kế hoạch năm, rồi vào năm cứ thế mà xuất quỹ tiêu thôi. Nếu có cái gì đó phát sinh, vui lòng phát sinh trong mục “Chi phí dành cho các vấn đề phát sinh” – rơi vào khoảng 10% tổng chi phí của năm.

Đối với mọi doanh nghiệp lớn, quy trình hiển nhiên rất quan trọng cho sự sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên đôi khi nó trở nên vô cùng gò bó và cổ hủ, lạc hậu. Đi muộn 1 giây hay 30 phút chẳng có nghĩa lý gì vì nói chung vẫn là chấm công muộn, lương vẫn trừ đều tay. Khi ở startup xin nghỉ phép 1 tuần chẳng ai gọi dù chỉ 1 cuộc vì đó là không gian riêng, đôi khi sếp nhờ vả nhân viên vào ngày cuối tuần còn phải nói “xin lỗi” trước rồi mới bàn công việc, còn ở công ty/tập đoàn lớn, có khi đang đi bơi cũng phải mở điện thoại ra nghe giữa biển xanh trữ tình. Trong khi đó, môi trường làm việc của Vingroup lại có phần cởi mở hơn, với sự chú trọng đến sáng tạo và phát triển cá nhân, giúp nhân viên cảm thấy thoải mái hơn trong công việc.

Độ tích cực của môi trường làm việc phản ánh rất rõ trong tốc độ phát triển công ty

2. Khối lượng và đầu việc

* Startup

Hiển nhiên Startup khối lượng công việc sẽ lớn, đầu việc nhiều. Và quan trọng nhất: Bạn phải vừa đi vừa mò. Không có một quy chuẩn nào trong startup hết, và tất cả những gì bạn làm chỉ có đi lần mò cùng đồng nghiệp mà thôi. Đây là một cơ hội cực tốt để bạn phát triển thêm hàng loạt các kĩ năng mà có nằm mơ bạn cũng không nghĩ sẽ phải học.

VD: Bạn làm Content Marketing vì bạn không có nghiệp vụ Sales, hay kĩ năng SEO và ti tỉ thứ tương tự? Cuối cùng bạn phải đi deal với bên báo chí, bạn phải học từ những thứ nhỏ nhất như tạo backlink trên website, đi link thế nào, đi ở đâu. Bạn phải đi sưu tầm các website có liên quan đến nhóm ngành công ty mình đang làm để phục vụ cho việc nghiên cứu và đi build link SEO. Bạn không làm HR, nhưng bạn buộc phải đi phỏng vấn các thực tập sinh Marketing bởi HR không có đủ chuyên môn do đã quá bận bịu với mớ giấy tờ chứng từ mà đáng lẽ ra sẽ là của Nhân viên hành chính.

* Tập đoàn lớn

– Đừng nghĩ rằng “như vậy thì tập đoàn lớn chắc phải ít việc hơn”. Ở startup, bạn được thử thách bởi rất nhiều đầu việc mới mẻ như chính doanh nghiệp của mình vậy, còn ở các tập đoàn lớn, họ sẽ bóc lột bằng chính những kĩ năng chuyên môn mà bạn có, nên đừng bao giờ nghĩ chúng ta sẽ rảnh hơn. Không ai trả nhiều tiền để thuê người rảnh.

Ở startup, bạn làm chủ chính mình, bạn là một nhân tố quan trọng trong doanh nghiệp, bạn được quyền quyết định sẽ làm cái gì. Nhưng ở tập đoàn lớn, bạn chỉ là một bánh răng rất nhỏ trong chuỗi vận hành của doanh nghiệp. Người ta đặt bạn vô đó, bạn quay theo để vận hành động cơ. Kĩ năng chuyên môn được phát triển tối đa ở các tập đoàn lớn, nhưng rất khó để bạn có thể học hỏi các kĩ năng khác bởi bạn đã quá bận bịu với đống “công việc chuyên môn” của mình.

Nhân viên tập đoàn lớn cũng như bánh răng giúp cỗ máy vận hành

3. Con người

* Startup

Nhân viên tại các startup thường sẽ là các bạn trẻ, không thích gò bó, năng động, yêu thử thách. 26 tuổi có thể bạn đã là già nhất trong startup, bởi sếp của bạn có khi chỉ 24 tuổi mà thôi. Đến công ty dăm bữa nửa tuần có khi lại trà sữa, pizza, nem chua rán, nói chung rất dễ lên cân. Bên cạnh chủ đề công việc, các chủ đề bàn tán khác thường sẽ chỉ xoay quanh giới trẻ như trưa nay ăn gì, mai mặc bộ nào đi làm,…

* Tập đoàn lớn

Nhân viên tại các tập đoàn lớn thì ngược lại, già hơn rất nhiều. 30-40 tuổi là chuyện quá bình thường. Đôi khi đến văn phòng bị lạc lõng vì các anh chị toàn nói chuyện gia đình vợ chồng con cái, trong khi mình đến một cái nắm tay còn chưa có ai. Hầu hết những người ở đây đều rất đáng học hỏi bởi họ có một cái đầu đầy kinh nghiệm, còn bạn thì non choẹt vừa mới ra trường nào đã biết được cái gì đâu.

Nguyễn Hoàng Trung (1992) – Founder của Lozi khi mới 23 tuổi.

4. Lương và phúc lợi

– Lương thì hiển nhiên Startup không thể ăn lại doanh nghiệp lớn được. Riêng doanh thu của công ty có khi lỗ đến vài tỷ, vài chục tỷ, có những doanh nghiệp vốn không được rót nhiều thì còn tệ hơn.

– Các tập đoàn lớn có mức lương ngay từ đầu đã rất cao, các khoản thưởng cũng không kém cạnh bởi chính sách giữ nhân tài. Chỉ cần có năng lực thì có khi đóng thuế 10 triệu 1 tháng vẫn là chuyện bình thường.

Đơn cử như chuyện lì xì thưởng Tết, làm ở startup có khi được lì xì 10.000 cho vui, còn làm ở tập đoàn lớn được lì xì hẳn 888k đầu năm cho lộc.

5. Thăng tiến

* Startup

– Hiển nhiên startup sẽ cho bạn nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Có khi công ty đc 20 mống mà 5-6 ông trưởng nhóm là chuyện rất bình thường. Khi công ty đạt đến một mốc phát triển nhất định, bạn hoàn toàn có thể leo lên vị trí cao hơn rất nhanh chóng, tiêu chí rất đơn giản: Có đủ năng lực đảm nhiệm.

– Quy trình trước khi được thăng chức cũng vô cùng đơn giản trong Startup, có khi hôm nay thấy ổn, được đề xuất, mai bạn có thể nhận vị trí mới luôn. Vẫn là câu nói cũ: có năng lực là có tất cả. Đôi khi ở Startup, đang làm một thằng cu li chạy vặt, đùng một cái sếp có thể yêu cầu bạn đi tuyển thêm người và lead nguyên 1 team ngay ngày hôm sau vì cần tăng tốc dự án. Đây sẽ là câu chuyện buồn với những người nhút nhát, nhưng sẽ là một trải nghiệm cực kì thú vị với những bạn dám trải nghiệm và thử thách bản thân mình.

* Tập đoàn lớn

– Tập đoàn lớn có một đặc điểm đó là cực kì khó thăng tiến. Có thể bạn làm việc rất tốt, hiệu quả cao, nhưng thường phần thưởng của bạn sẽ chỉ là tăng lương hoặc hoa hồng doanh số thôi. Việc thăng chức trong tập đoàn lớn không chỉ yêu cầu về kĩ năng chuyên môn, mà còn về kĩ năng quản lý – thứ mà bạn chẳng mấy khi được học khi làm việc như một bánh răng tại cỗ máy này.

– Lý giải về điều này – ở tập đoàn lớn, không ai cho bạn thời gian để học cả, bởi đó là rủi ro về kinh tế và nhân sự. Lỡ đâu một ngày lại chọn 1 người không mấy tiềm năng lên quản lý, rồi lead hỏng 1 dự án, ôi thôi của một đống tiền. Chưa kể vị trí quản lý có mức cạnh tranh rất cao, và ở giữa 1 rừng toàn những người đầu óc còn tốt hơn bạn. Còn ở startup, ngay bản chất công ty đã là mới, thì việc lựa chọn một quản lý hoàn toàn mới không có gì lạ lẫm cả.

Làm ở đâu cũng được, quan trọng là học được gì

App tìm việc JobsGO không thể khuyên bạn nên vào chỗ nào làm, vì mỗi chỗ đều có những ưu điểm rất riêng của nó. Việc bạn vào làm ở Startup sẽ khiến bạn được trải nghiệm đủ thứ mà có thể cả thanh xuân chưa bao giờ bạn nghĩ mình sẽ phải làm, như làm Content mà phải làm cả SEO, đối ngoại, báo chí, sales… Việc bạn vào làm ở tập đoàn lớn sẽ giúp bạn phát huy tối đa chuyên môn của mình để theo kịp luồng làm việc của họ, nếu bạn trúng tuyển vị trí Copywriter, tất cả những gì bạn làm sẽ chỉ xoay quanh mớ nội dung mà thôi.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: