Hóa đơn đỏ (hóa đơn giá trị gia tăng – GTGT, hóa đơn VAT) là một chứng từ quan trọng trong kinh doanh, buôn bán hàng hóa, dịch vụ. Vậy bạn đã hiểu rõ hóa đơn đỏ là gì chưa? Mua hóa đơn đỏ có dễ hay không? Cần lưu ý gì để sử dụng hóa đơn đỏ hợp pháp? Hãy đọc bài viết dưới đây, bạn sẽ có câu trả lời cho những thắc mắc trên.
Mục lục
1. Hóa đơn đỏ là gì?
Hóa đơn đỏ (tên tiếng Anh là Value Added tax invoice/VAT bill) là một chứng từ thể hiện giá trị của hàng hóa, dịch vụ mà bên bán cung cấp cho bên mua. Nội dung của hóa đơn đỏ bao gồm các thông tin của 2 bên và nó sẽ là căn cứ để xác định số thuế cần nộp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp.
Hiện nay, Cơ quan thuế sẽ chịu trách nhiệm phát hành hóa đơn đỏ. Trường hợp doanh nghiệp muốn tự in thì sẽ cần đăng ký với Cơ quan thuế và chịu sự giám sát, quản lý của họ về việc in, sử dụng hóa đơn đỏ.
2. Hóa đơn đỏ dùng để làm gì?
Theo quy định chung của pháp luật, toàn bộ các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn. Việc lập hóa đơn sẽ là trách nhiệm của những người bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Riêng với hóa đơn đỏ, nó sẽ là căn cứ để người mua, người lưu giữ có thể kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đồng thời, thông qua hóa đơn đỏ, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cũng có cơ sở để hạch toán các chi phí sản xuất, kinh doanh hay hoàn thuế,…
Cụ thể, những hoạt động làm phát sinh hóa đơn đỏ gồm:
- Mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội địa.
- Hoạt động vận tải quốc tế.
- Hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
- Xuất hàng hóa vào khu phi thuế quan.
3. Muốn được cấp hóa đơn đỏ phải đến đâu?
Để được cấp hóa đơn đỏ đúng, hợp lệ, đảm bảo theo quy định của pháp luật thì người đại điện kinh doanh sẽ cần đến đâu?
- Với các hóa đơn bán hàng trực tiếp (không có thuế GTGT) thì cơ sở kinh doanh có thể tự in và sử dụng. Tuy nhiên, trước đó, người đại diện sẽ cần đăng ký với Cơ quan thuế, chịu sự quản lý sát sao từ họ.
- Với các hóa đơn bán lẻ mỗi lần phát sinh, khi người bán hàng có nhu cầu mua hóa đơn để làm thủ tục thì sẽ cần phải đến trực tiếp Cơ quan thuế.
4. Những đối tượng nào được/không được phép cấp hóa đơn đỏ
Rất nhiều người thắc mắc đối tượng nào sẽ được phép và đối tượng nào không được cấp hóa đơn đỏ theo quy định? Nếu bạn cũng nằm trong số đó, đừng bỏ qua thông tin JobsGO cung cấp dưới đây nhé.
4.1 Đối tượng được cấp
Theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính thì tất cả các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh doanh thì đều được cấp hóa đơn đỏ.
Song, với một số trường hợp đặc biệt, các đối tượng không phải cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh doanh nhưng lại có phát sinh hoạt động cung ứng, mua bán dịch vụ, sản phẩm và cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì vẫn được phép mua hóa đơn đỏ.
Loại hóa đơn mà Cơ quan thuế cấp cho những trường hợp này sẽ là hóa đơn bán lẻ và thuộc loại bán hàng.
4.2 Đối tượng không được cấp
Những trường hợp không phải là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh doanh, có phát sinh hoạt động bán hàng nhưng không chịu thuế GTGT, không phải kê khai, nộp thuế GTGT thì sẽ không được phép cấp hóa đơn đỏ.
5. Thủ tục cần chuẩn bị để xin cấp hóa đơn đỏ
Các đối tượng muốn xin cấp hóa đơn đỏ sẽ cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, thực hiện các thủ tục theo 3 bước dưới đây:
5.1 Bước 1: Có đủ hồ sơ mua bán hóa đơn đỏ
Với các trường hợp lần đầu xin cấp hóa đơn đỏ, bạn cần có 2 bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định, công văn 2025/TCT-TVQT là:
- Đơn đề nghị mua hóa đơn đỏ theo mẫu của Cơ quan thuế.
- Giấy phép kinh doanh.
- Căn cước công dân của người đại diện mua hóa đơn đỏ.
- Văn bản cam kết thông tin địa chỉ kinh doanh.
- Hợp đồng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giấy mua bán hàng hóa (yêu cầu ít nhất 1 bản chính).
- Tờ khai thuế GTGT, thu nhập cá nhân.
- Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (3 bản).
- Biên lai nộp thuế (2 bản photo).
*Lưu ý: trong trường hợp cá nhân thay mặt người khác nộp hồ sơ, kê khai thuế, nhận hóa đơn lẻ thì sẽ cần có văn bản ủy quyền theo đúng quy định của Bộ Luật dân sự.
Còn trường hợp bạn đã từng mua hóa đơn đỏ tại Chi cục thuế thì chỉ cần có những giấy tờ sau:
- Giấy giới thiệu về doanh nghiệp.
- Giấy đăng ký mua hóa đơn GTGT tại Cơ quan thuế.
- Mộc vuông.
- Căn cước công dân của người đại diện.
5.2 Bước 2: Nộp hồ sơ lên Cơ quan thuế
Khi đã có đầy đủ hồ sơ, các loại giấy tờ thì bạn sẽ cần gửi chúng lên Cơ quan thuế theo đường bưu điện hoặc đến trực tiếp địa chỉ cơ quan gần nhất.
5.3 Bước 3: Nhận hóa đơn đã đăng ký mua hóa đơn đỏ từ Cơ quan thuế
Sau khi hồ sơ được chuyển đến Cơ quan thuế, họ sẽ xem xét rồi xác nhận thông tin để quyết định phát hành, cấp hóa đơn GTGT.
Bạn sẽ cần kiểm tra lại các thông tin, tự chịu toàn bộ trách nhiệm hoặc đóng dấu sau khi nhận được hóa đơn.
*Lưu ý:
- Khi mua hóa đơn đỏ, bạn chỉ cần nộp tiền theo giá hóa đơn đã niêm yết.
- Hóa đơn đỏ sẽ được Cơ quan thuế phát hành hàng tháng theo số lượng nhất định (không quá 50 số hóa đơn). Còn nếu bạn đã sử dụng hết hóa đơn mua lần đầu khi chưa hết tháng thì Cơ quan thuế sẽ phải căn cứ vào thời gian, số lượng hóa đơn đã dùng để quyết định.
6. Mua hóa đơn đỏ trái quy định bị xử phạt như thế nào?
Có thể thấy, không phải đối tượng nào cũng được phép mua hóa đơn đỏ. Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức,… mua trái quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính. Mức phạt sẽ dao động từ 20.000.000 – 50.000.000 đồng tùy vào số lượng hóa đơn đã mua.
Riêng với trường hợp số lượng hóa đơn quá lớn, phía cá nhân, đơn vị mua có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, mức phạt cũng sẽ lên đến 100.000.000 – 1.000.000.000 đồng.
Nghiêm trọng hơn, đơn vị còn có nguy cơ bị tạm dừng, cấm hoạt động kinh doanh hay huy động vốn, thậm chí là đình chỉ vĩnh viễn.
Trên đây là trọn bộ những thông tin về mua hóa đơn đỏ. Hy vọng rằng qua bài viết, bạn đọc sẽ nắm rõ quy định về việc mua, sử dụng loại hóa đơn này.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)