Lại một năm lãng phí

Đánh giá post

Chưa gì đã hết… một năm. Đầu năm 2019, bạn còn đang háo hức đặt ra các kế hoạch, mục tiêu cho năm mới. Nhưng giờ đây, khi gần kết thúc tháng 12, bạn mới nhận ra còn biết bao đầu mục chưa hoàn thành trong checklist của mình. Bạn sửng sốt tự hỏi, tại sao lại như vậy?

Lại một năm không làm được gì

1. Nghỉ việc

Tôi có một công việc ổn định, chỉ là ngày nào cũng chán chường, mệt mỏi. Tôi thức dậy 7h sáng và băn khoăn liệu mình có cần công việc này không? Tôi chờ đến 5h chiều và thắc mắc không biết tối nay sẽ ăn gì. Công việc này giờ chẳng còn khiến tôi hào hứng nữa, tôi chỉ thấy mệt mỏi và chán chường. Tôi lần lữa suốt bao lâu và nghĩ: “Có nên nghỉ việc không nhỉ?”. Cuối năm rồi đấy, nghỉ là mất Tết, nhưng không nghỉ thì biết đến bao giờ mới nghỉ?

Đã bao lần tôi tự nói với bản thân câu này rồi nhỉ? Lại một năm nữa, vẫn là những thôi thúc cũ trong lòng: “Nghỉ việc đi!”, đầy hoang mang và mệt mỏi. Tôi thở dài và tự nhủ: “Mọi thứ vẫn ổn”. Ừ thì cũng ổn thật, con người đúng là kẻ nói dối giỏi nhất với bản thân mình.

Tìm kiếm một công việc ổn định thật không dễ, nhất là vào mùa Tết, nhưng tôi không thể ổn định vào cái tuổi 23 này. Tôi còn trẻ, đáng ra tôi phải bay, phải có thật nhiều trải nghiệm chứ không phải giam mình vào một cái văn phòng mà sớm đã không còn chỗ để phát triển. Mất một lần thưởng Tết không lớn, nhưng mất một khoảng tuổi trẻ để phát triển bản thân thì lớn vô cùng.

Một công việc tốt là như thế nào? Một công việc tốt nên là một công việc mà tôi không cảm thấy mình bị ép phải đi làm, tôi không cảm thấy rằng “đi làm để sống”. Một công việc tốt phải là một công việc mà tôi cảm thấy rằng tôi đang học hỏi và phát triển rất nhiều nhờ nó.

Lại một năm rồi đấy, nếu bạn và công việc hiện tại đã “không thuộc về nhau” thì đừng níu kéo thêm nữa. Tìm kiếm một công việc tốt thật không dễ, nhưng đừng vì thế mà tự kìm hãm trong một môi trường không còn phù hợp. Đừng đi làm trong tâm trạng chán chường, mệt mỏi. Đừng sợ phải bắt đầu lại từ vị trí thấp hơn. Đừng sợ phải đón nhận những rủi ro mới. Nghỉ việc đi, đừng sợ!

2. Học ngoại ngữ

Tôi dốt đặc Tiếng Anh. Năm nào cũng tự nhủ với lòng: “Năm nay nhất định phải có chứng chỉ 500 để còn lấy bằng và tốt nghiệp đại học!”. 3 năm rồi đấy, tôi vẫn chưa ra trường, vẫn chưa đâu vào đâu.

Tôi đầu tư hẳn một khóa học tiếng Anh trực tuyến 1-1, 8-22h, lúc cũng có người kèm cặp. Thế mà tôi vẫn có thể lăn ra ngủ ngày cày đêm, mắt dính lấy màn hình điện thoại 24/7, ngày ngày xem những bộ drama hàng tiếng và nghĩ “thôi để mai”.

Nhưng làm sao trách bản thân được? Ai bảo Facebook, TikTok, Instagram,… luôn tràn ngập thông tin hấp dẫn, từ hài nhảm đến triết lý nhân sinh. So với việc cặm cụi ngồi học, những nội dung này tuy nhăng cuội nhưng lại thú vị hơn rất nhiều.

“Bao giờ tôi mới ra được trường nhỉ?”. Tôi lại bất giác nhắc mình câu đó.

Trước khi bắt đầu làm điều gì, hãy tự hỏi bản thân tại sao bạn muốn làm điều đó. “Tại sao tôi cần đến ngoại ngữ? Chứng chỉ Tiếng Anh sẽ giúp gì? Tôi muốn có bằng cấp gì? Tôi muốn đạt được trong bao lâu?”. Lý do càng rõ ràng, mục tiêu càng chính xác, động lực sẽ càng lớn. “Khi bạn thực sự khát khao điều gì, cả vũ trụ sẽ cùng sức hợp lại giúp bạn đạt được điều đó.”

Bạn tôi ơi, bạn có biết, để hiểu cặn kẽ một môn học, cần dành ít nhất 10,000 giờ nghiên cứu nó không? Khoảng thời gian bạn dành ra để học ngoại ngữ trong năm nay là bao nhiêu? Bạn không phải Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại. Đừng kì vọng mình sẽ nói lưu loát nếu mới bắt đầu.

Hãy đặt mục tiêu cụ thể khi học ngoại ngữ. Bạn muốn có bằng cấp gì? Bạn muốn đạt được trong vòng bao lâu? Có mục tiêu cụ thể sẽ thúc đẩy bạn hoàn thành kiến thức nhanh hơn rất nhiều đấy.

>>>Tìm hiểu thêm: Thế nào là tự học?

3. Chăm sóc sức khỏe

“Đã bao lâu bạn chưa đi khám sức khỏe định kì?” – Lại là câu chuyện về sự trì hoãn. 

Có không ít câu chuyện về những người cả đời không đi khám sức khỏe, sau đó một ngày lại phát hiện bệnh tật đầy mình. Tôi nghe mà sợ hãi, nhưng sợ hãi đâu thắng được sự lười biếng. Tôi nằm trong chiếc chăn ấm áp, nghĩ: “Thôi để mai”. Từ đấy đến giờ tôi chẳng nhớ nổi đã có bao nhiêu cái “mai” rồi.

Đầu năm khi đang lướt Instagram, tôi trầm trồ ngưỡng mộ cơ thể săn chắc của những người bạn đồng trang lứa. Tôi lập tức nghĩ đến bản thân, vừa thừa mỡ vừa yếu đuối, không nhấc tay lên trời được quá ba phút. Tôi quyết tâm thay đổi hình ảnh. Tôi thề với Facebook rằng từ nay quyết sẽ ăn uống lành mạnh và tập gym đều đặn.  Nhưng đến hè thì tôi thay đổi ý định. Tháng 1 tôi rất hăng hái tuy không giảm được cân nào. Tháng 2 ý chí vẫn còn nên tôi giảm được một cân. Tháng 3 tôi buông thả hơn chút xíu, tần suất tập thưa dần và các đồ ăn vặt tăng nhiều hơn. Cứ thế, tôi quay về lối sống cũ. 

Vậy vấn đề ở đâu? Vấn đề không chỉ nằm ở việc tôi không đủ nghiêm khắc với bản thân, mà là tôi không đủ khát khao cho điều gì đó để có thể bắt đầu thực hiện nó và tìm kiếm kết quả.

Việc giữ gìn hay tăng cường sức khỏe không cần đến những phòng GYM đắt đỏ, hay thuê PT với mức giá vài trăm nghìn một buổi. Bạn có thể bắt đầu với những hành động nhỏ như thể dục giữa giờ khoảng 5 phút sau 1-2 tiếng liên tục dán mắt vào màn hình vi tính, lựa chọn những đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Điều này sẽ giữ bạn ở trạng thái tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc hơn rất nhiều.

>> 5 thói quen lành mạnh giúp dân công sở cải thiện sức khỏe

4. Quản lí tài chính

Quản lí tài chính

Còn mua quần áo sẽ chặt tay! Không bao giờ tin quảng cáo trên Facebook nữa! Tôi tự nói trong khi tay vẫn nhấp vào thông tin các shop bán đồ trên mạng. Tôi đã lãng phí bao nhiêu tiền trong suốt một năm nhỉ? Rút hết cái đống tiền dở hơi đó lại, tôi nghĩ mình phải có cả 1 gia tài.

Những thứ cần và những thứ muốn thật ra rất dễ phân biệt. Hãy thử nghĩ xem, bạn có thực sự cần thêm một màu son mới khi còn cả một bộ son 3CE chưa đánh được 3 lần? Bạn có thực sự cần thêm một chiếc váy xẻ khi còn cả chục bộ đầm khác chưa một lần mặc tới?

Hãy viết ra số tiền cụ thể và mục đích sử dụng chúng. Từ đấy bạn sẽ biết cách chi tiêu ít hơn lên những thứ phù phiếm và tập trung nhiều hơn cho những điều thật sự quan trọng. 

>> Quản lý tài chính hiệu quả với công thức 50-30-20

5. Đọc thêm sách

Bạn bè ai nấy cũng thi nhau khoe đầu sách đã đọc trong năm, tôi chợt nhớ ra hóa ra tôi chẳng đọc được cuốn nào từ khi ra trường đi làm. Thế là tôi vội vàng đặt chỉ tiêu mỗi tuần sẽ đọc một quyển. Tuy nhiên, từ những tuần đầu tiên, phải vất vả lắm tôi mới hoàn thành xong… một cuốn!

Hóa ra hàng chục quyển sách trong một năm không giúp bạn trở nên uyên thâm hơn, cái bạn cần là những quyển sách thật sự phù hợp với những gì bạn muốn học hay phát triển.

Hãy bắt đầu từ tốn, chọn những quyển sách phù hợp sở thích của mình. Đừng nên quên rằng mỗi quyển sách là tổng hợp kinh nghiệm của cả một đời người! Do đó, hãy bình tĩnh chiêm nghiệm từng trang sách, tìm ra ý kiến bạn tán đồng hoặc muốn phản biện. Sau một năm, bạn sẽ bất ngờ vì những gì mình đã học được đấy. Đó cũng chính là điều bạn nên làm gì vào năm mới chọn lọc và đầu tư vào những kiến thức thực sự có giá trị.

JobsGO tin rằng không ai lại muốn lãng phí những một năm cuộc sống của mình. Có những đầu việc quả thật không dễ để hoàn thành. Nhưng cuộc sống vốn đâu phải một đường thẳng, phải vượt qua những mục tiêu khó nhằn thì bạn mới có thể bứt phá trong cuộc sống. Năm cũ bị lãng phí dù sao cũng đã là quá khứ. Giờ đây, một năm mới tràn đầy sắc màu chuẩn bị tiến đến. Bạn còn chần chừ gì nữa? Hãy mau chóng lập ra những kế hoạch chi tiết để hoàn thành! Hãy gạt nỗi sợ năm cũ sang một bên! JobsGO tin rằng 2020 sẽ là một năm tràn đầy thành công và hi vọng chỉ dành riêng cho bạn đấy! 

– Đông Đông –

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: