Hành trang nhập học cho tân sinh viên

5/5 - (1 vote)

Ở đâu, ăn gì, đi lại như thế nào và rất nhiều sự chuẩn bị khác là những điều mà tân sinh viên nào cũng phải biết trước khi lên đường nhập học. Dưới đây là những lời khuyên để các bạn có thể chuẩn bị hành trang tốt nhất cho việc học tập sắp tới.

Sinh viên trúng tuyển đại học lại phải đối đầu với những nỗi lo khi nhập học

1. Hồ sơ nhập học

Sau khi nhận giấy báo trúng tuyển, bạn sẽ biết được các thông tin như hồ sơ, học phí, ngày giờ nhập học và một số giấy tờ khác mà bạn phải chuẩn bị. Thông thường hồ sơ nhập học sẽ bao gồm:

Giấy báo trúng tuyển

– Học bạ

– Hồ sơ lý lịch dán ảnh chân dung 3×4, được đóng dấu giáp lai của chính quyền địa phương theo mẫu của Bộ GD & ĐT

– Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học tạm thời (người trúng tuyển trong năm tốt nghiệp). Hoặc bằng tốt nghiệp THPT (người đã tốt nghiệp từ các năm trước)

– CMND/CCCD

– Giấy chứng nhận ưu tiên, giấy chứng nhận được hưởng chế độ… (nếu có)

– Ảnh 3×4 và 4×6

Các bạn nên đọc kỹ giấy báo trúng tuyển và chuẩn bị những đầy đủ giấy tờ để không bị mất công đi về nhiều lần. Bên cạnh đó, hãy photo và công chứng các loại giấy tờ nhiều hơn số lượng mà nhà trường yêu cầu. Vì sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh cần dùng đến đấy.

2. Tân sinh viên nên ở đâu?

Đây là vấn đề tân sinh viên phải hết sức lưu ý, nhất là những sinh viên tỉnh lẻ. Thông thường bạn sẽ có 2 lựa chọn là ở kí túc xá hoặc tìm phòng trọ.

Kí túc xá

  • Ưu điểm

+   Rẻ: mỗi người chỉ mất khoảng 150 – 600k/tháng. Tiền điện nước tính theo giá nhà nước và chia đầu người mỗi phòng.

+   Thuận tiện cho việc đi học vì kí túc xá thường ở ngay trong trường.

  • Nhược điểm

+   Không được nấu ăn trong phòng. Bạn sẽ phải tốn một khoản kha khá đi ăn ở ngoài. Đồ ăn thì không được đảm bảo như tự nấu.

+   Giờ giấc không được thoải mái.

+   Số lượng hạn chế. Nếu không thuộc diện chính sách thì sinh viên rất khó đăng ký được kí túc

Tìm phòng trọ

Đối với những bạn sinh viên, điều tuyệt vời nhất chính là sự tự do làm những điều mình muốn. Ở phòng trọ sẽ giúp bạn thoải mái và tự do hơn. Tuy nhiên, việc thuê trọ ở ngoài có nhiều phức tạp cần phải lưu ý.

Những bạn tân sinh viên nên tìm nhà trọ ở gần trường để tiện cho việc đi lại. Bên cạnh đó cần lưu ý các vấn đề như an ninh, gần chợ, giá cả tốt, phương tiện di chuyển đến trường… Trước khi thuê, sinh viên cần hỏi rõ về tiền cọc, tiền điện nước hay giờ giấc và nhớ phải có hợp đồng rõ ràng.

Thuê nhà trọ sẽ tốn khá nhiều chi phí. Nếu ở trọ một mình, sinh viên sẽ tốn khoảng 1.500.000 – 2.000.000 đồng cho tiền phòng, điện nước, internet. Chưa kể bạn còn phải chi cho các khoản như tiền ăn uống, sinh hoạt và đi lại nữa. Vì vậy, hãy tìm cho mình một người bạn cùng phòng để share tiền trọ và giúp đỡ nhau khi ốm đau hay gặp khó khăn nhé!

3. Phương tiện đi lại

Tân sinh viên khi học đại học thường có nhu cầu đi lại rất nhiều. Có rất nhiều phương tiện để bạn lựa chọn như xe máy, xe điện, xe buýt. Thậm chí là đi bộ nếu bạn ở gần trường. Dù đi bằng phương tiện gì bạn cũng cần trang bị cho mình bản đồ hoặc sử dụng google map để không bị lạc đường. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tải những app đặt xe như Grab, Goviet, Bee. Điều này giúp bạn chủ động hơn trong đi lại và không lo chặt chém về giá.

Tuy có một vài bất tiện nhưng xe buýt vẫn là phương tiện được lựa chọn nhiều để di chuyển. Nếu phải di chuyển nhiều, tân sinh viên có thể đăng ký vé theo tháng để tiết kiệm hơn.Với khoảng 100.000 đồng/tháng bạn có thể đi bao nhiêu lượt, trên bao nhiêu tuyến xe tùy thích.

4. Cảnh giác với người lạ

Khi tự mình bước ra môi trường hoàn toàn mới, tân sinh viên phải đặc biệt chú ý khi tiếp xúc với người lạ. Nhất là vấn đề tiền bạc. Bạn cần hiểu biết và đủ tỉnh táo để tránh xa bọn lừa đảo hay đa cấp.

Chuẩn bị nhập học, tân sinh viên luôn cầm theo tiền vì có rất nhiều khoản cần chi. Do đó, cần giữ gìn và chú ý khi đi lại ở nơi đông người, đề phòng bị kẻ gian móc túi. Tốt nhất, bạn không nên để nhiều tiền trong người. Hãy giữ một ít đủ dùng và cất giữ số còn lại trong thẻ ATM.

5. Quản lý tài chính

Trước khi nhập học, tân sinh viên cần tham khảo những anh chị khóa trên về vấn đề tiền bạc và chi tiêu. Bạn nên cùng bố mẹ tính toán các khoản như học phí, tiền thuê trọ, sinh hoạt, ăn uống và các chi phí cần thiết.

Ban đầu mới nhập học, bạn sẽ phải dựa dẫm hoàn toàn vào bố mẹ. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã ổn định tân sinh viên có thể tìm kiếm cho mình những công việc part time để kiếm thêm thu nhập. Bạn có thể tìm việc dễ dàng tại các trang tuyển dụng việc làm cho sinh viên. Bạn cũng có thể tải app việc làm JobsGO để tạo cho mình CV chuyên nghiệp và tìm công việc phù hợp.

Tân sinh viên cần học cách quản lý tài chính cho bản thân, tránh trường hợp “nhịn đói” vào cuối tháng hay vay nợ bạn bè.

>> Học cách quản lý tài chính hiệu quả

Tân sinh viên cần học cách quản lý tài chính để không “nhịn đói” cuối tháng

6. Tham gia sinh hoạt đầu khóa cho tân sinh viên

Bên cạnh những bạn vô cùng hào hứng thì cũng có những bạn tân sinh viên thắc mắc không biết tham gia sinh hoạt đầu khóa để làm gì. Nhiều bạn thường bỏ qua và không đến tham dự mà không biết tầm quan trọng của hoạt động này.

Trước hết, nhiều trường đại học sẽ điểm danh. Đây có thể là một trong những tiêu chí đánh giá trong quá trình học tập của bạn. Nếu không tham gia có thể bạn sẽ bị mất điểm rèn luyện lúc nào không hay đấy.

Buổi sinh hoạt đầu khóa sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội để trải qua quãng đời sinh viên dễ dàng và ý nghĩa hơn. Đây là điều kiện cho một tân sinh viên mở rộng mối quan hệ. Bạn có thể làm quen với các bạn mới, đặc biệt là những anh chị khóa trên. Hãy kết thân với  “tiền bối” nào đó. Bạn sẽ có người hướng dẫn kinh nghiệm lăn lộn trong trường đại học. Hơn nữa họ có thể xi nhan cho lịch trình học tập, tài liệu hay học thầy cô nào thì tốt…

Buổi sinh hoạt đầu khóa sẽ tạo điều kiện cho tân sinh viên hiểu về trường, làm quen với môi trường học tập mới. Đồng thời, đây cũng là lúc các CLB giới thiệu và tuyển thành viên. Đừng bỏ qua cơ hội trở thành thành viên CLB nào đó nhé! Bạn sẽ cải thiện được bản thân, học hỏi thêm nhiều kỹ năng cho việc học tập và cuộc sống sau này.

Kết luận

Trên đây là những lưu ý của JobsGO về việc tân sinh viên cần chuẩn bị gì trước khi nhập học. Bạn cần chuẩn bị kỹ càng về tâm lý lẫn vật chất. Quan trọng nhất vẫn là sự mạnh dạn đối đầu với những cái mới, mạnh dạn giải quyết khó khăn. Chúc các bạn may mắn và thuận lợi khi bước chân vào con đường đại học.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: