Chỉ còn vài tháng nữa, phần lớn 99er sẽ ra trường và chính thức gia nhập vào thị trường lao động. Lúc này, điều quan trọng đối với các bạn là tìm được một công ty tốt “để trao thân, gửi phận”. Vậy phải làm sao để chúng ta tìm thấy nơi ấy?
Mục lục
Chọn công ty không quan trọng bằng chọn sếp
Câu hỏi liên quan đến việc “làm thế nào để chọn công ty tốt sau khi ra trường?” đã được đưa ra để bàn luận trong một group kín liên quan đến Review công ty.
Ngay khi câu hỏi được đặt ra, đã có tới 590 reaction cùng 47 câu trả lời cho câu hỏi này. Trong số 47 câu trả lời có tới 70% netizen đồng ý rằng “chọn việc/ chọn công ty không quan trọng bằng chọn sếp”.
Một bạn chia sẻ: “công ty tốt mà sếp không tốt thì ai rồi cũng sẽ nghỉ việc thôi”.
Những người khác cho rằng, chọn sếp giỏi giúp chúng mình cải thiện kỹ năng một cách nhanh chóng.
Nhiều người đã chia sẻ câu chuyện của mình để chứng minh cho luận điểm “hãy chọn sếp, đừng chọn công ty”.
? Xem thêm: Những lưu ý quan trọng khi deal lương cho sinh viên mới ra trường
Nhưng phải làm thế nào để chọn được một người sếp tốt?
Sau topic này, người dùng facebook nick Thảo Đỗ đã đăng tải một bài viết để chia sẻ với các bạn trẻ “bí kíp chọn sếp”.
Theo chị, buổi phỏng vấn không chỉ là buổi để công ty chọn nhân viên, mà còn là cơ hội để chúng mình “test sếp”. Vì thế, đừng ngại trao đổi.
Hỏi về cấu trúc phòng ban; trách nhiệm, quyền hạn của vị trí ứng tuyển
Chị Thảo chia sẻ, khi phỏng vấn, chúng mình nên nhờ sếp chia sẻ về cấu trúc phòng ban; chi tiết về trách nhiệm, quyền hạn của vị trí mình ứng tuyển. Một người sếp tốt sẽ không ngại chia sẻ với bạn những thông tin này.
Thông qua câu trả lời của sếp, chúng mình sẽ nhận được 3 thứ:
- Cấu trúc phòng ban có rõ ràng, hợp logic không?
- Có quy trình bài bản cho phòng ban và có khuyến khích sự chủ động từ phía nhân viên không?
- Sếp trao đổi công việc có rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề không?
Bất cứ điều gì khiến bạn thắc mắc, đừng ngại hỏi ngay và luôn. Câu trả lời của sếp giúp bạn biết được vị trí mình ở đâu, trách nhiệm chính của mình là gì? Công việc của công ty có phù hợp với mình hay không?
? Xem thêm: “Bỏ bùa” nhà tuyển dụng với 7 cụm từ “mạnh mẽ” này!
Hỏi về cách làm việc, phong cách quản lý của sếp
Điều tiếp theo chị Thảo thường hỏi để “test sếp” liên quan đến cách làm việc và phong cách quản lý của sếp. Chị cho biết: “câu này sẽ cho biết cách sếp và bạn sẽ làm việc sau này như thế nào?”.
Nếu bạn có kinh nghiệm làm việc, bạn hoàn toàn có thể trao đổi với sếp phong cách làm việc của bạn. Chẳng hạn, chị Thảo từng chia sẻ thẳng thắn với sếp của chị ấy: “Anh chỉ cần cho em bài toán, em sẽ trả lại cho anh đáp án”.
Không còn gì tuyệt hơn khi phong cách làm việc của bạn phù hợp với sếp. Ngược lại, chỉ đơn giản là không phù hợp thôi. Và khi đã không phù hợp với nhau, miễn cưỡng chỉ khiến quá trình làm việc trở nên nặng nề.
Lưu ý: Khi bạn là một sinh viên mới ra trường, đừng đề nghị sếp để bạn tự tìm hiểu và làm việc nhé! Vì nếu không được hướng dẫn, bạn sẽ không biết nên bắt đầu công việc từ đâu, làm thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thực ra, sếp cũng là người, cũng sẽ không hoàn hảo. Nếu đa phần đều ổn và không bị dính dấu hiệu nào của sếp “tồi” thì bạn có một sếp tốt rồi đó. Trong quá trình làm việc, hai bên sẽ hoàn thiện dần để cùng nhau tốt hơn và càng hiểu rõ nhau hơn nữa. Và không phải lúc nào cũng là nhân viên học hỏi từ sếp. Chính những sếp của mình cũng chia sẻ là học được nhiều từ mình.
? Xem thêm: Nói dối khi phỏng vấn xin việc? Nên nói gì và không nên nói gì?
Phải làm sao khi không tìm được sếp tốt?
Gặp được sếp tốt là điều may mắn. Nhưng không phải ai cũng may mắn.
Theo kinh nghiệm của mình, khi mới ra trường, bạn đừng ngại xin đi làm nhân viên thực tập. Bạn cũng không nên quá để tâm vào lương, vì điều quan trọng lúc này là học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Khi đã có đủ kiến thức, kỹ năng, bạn sẽ nhận được nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn.
Hãy đi thực tập ở những công ty lớn, hoạt động trong lĩnh vực mà bạn thích. Đừng chấp nhận những công việc mình không thích vì tiền. Vì sau 2 – 3 năm, bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi. Lúc này, dù muốn theo đuổi công việc mình thích cũng không còn đơn giản nữa. Bạn sẽ phải chấp nhận học việc lại từ đầu với mức lương thấp. Thậm chí, các công ty còn có thể không nhận bạn vì bạn đã ra trường nhiều năm, đã quên các kiến thức được học,…
Hi vọng sau khi ra trường, bạn có thể tìm được một công ty tốt, một người sếp tốt, có cơ hội làm công việc mình yêu thích và trở nên thật thành công.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)