Phan Đăng Nhật Minh, cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua, nhà vô địch lần thứ 17 và vinh dự được nhận học bổng toàn phần du học Úc. Bên cạnh giải thưởng học bổng du học dành cho các nhà vô địch lại là câu chuyện trở về nước cống hiến nay tìm việc làm và định cư nơi đất khách?
Du học là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ, đó là ước mơ vô cùng chính đáng vì du học là cơ hội để mở mang kiến thức, tiếp thu nền giáo dục mang tầm cỡ quốc tế và được trải nghiệm môi trường học tập tại nước ngoài. Tuy nhiên định cư hay trở về lại là vấn đề rất nhiều bạn băn khoăn sau khi học xong. Không thể phủ nhận với những sinh viên học giỏi, được cấp học bổng du học, các bạn có rất nhiều cơ hội công việc và phát triển bản thân tại quốc gia du học, các bạn có thể được mời làm giảng viên tại trường, nghiên cứu sinh hoặc không khó để tìm việc làm lương tháng hàng nghìn đô, và một thực tế vẫn được coi là đau lòng với chúng ta đó là mới chỉ 1 nhà vô địch Olympia trở về nước sau khi sở hữu tấm bằng quốc tế.
Nhìn nhận một cách khách quan môi trường làm việc tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và bản thân các du học sinh cũng sẽ phải chấp nhận nhiều thử thách khi lựa chọn trở về. Không nắm bắt được xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm có lẽ là khó khăn đầu tiên, bởi bản thân các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp suốt thời gian du học, trong khi đó tại Việt Nam, các nhà tuyển dụng thường yêu cầu kinh nghiệm cho những vị trí lương cao, còn các vị trí lương thấp lại rất hạn chế nhận sinh viên du học vì sợ họ sẽ không gắn bó lâu dài.
Các du học sinh với tấm bằng quốc tế thường kỳ vọng vào một công việc cấp cao, xứng đáng với bằng cấp của mình nhưng trên thực tế tại Việt Nam, các nhà tuyển dụng đặt yếu tố kinh nghiệm và kỹ năng lên đầu tiên trong quá trình tuyển dụng. Họ thậm chí không quan tâm đến bằng cấp của bạn và sẵn sàng tuyển dụng sinh viên trong nước có nhiều năm kinh nghiệm thay vì một du học sinh.
Bên cạnh những khó khăn về môi trường việc làm và thị trường lao động thì cơ hội phát triển bản thân và có nguồn thu nhập cao cũng là yếu tố khiến các bạn du học sinh băn khoăn khi trở về. Nếu định cư tại nước ngoài, các bạn có thể dễ dàng tìm kiếm một công việc lương tháng hàng nghìn đô trong khi tại Việt Nam là rất khó.
Tuy nhiên, khó nhưng không phải là không thể! Nhìn nhận theo một góc độ khác thì những du học sinh có không ít cơ hội để phát triển khi trở về nước. Với tấm bằng danh giá và trình độ tiếng anh, các bạn có ưu thế hơn hẳn sinh viên trong nước khi xin việc làm, nhất là tại các công ty nước ngoài.
Mặt khác, với cơ chế và sự phát triển về kinh tế, xã hội hiện nay, các doanh nghiệp cổ phần hóa ngày càng nhiều và cạnh tranh một cách công bằng, đó là môi trường rất thuận lợi để “nhân tài dụng võ”. Nhiều bạn trẻ hiện nay lựa chọn con đường startup với những sáng kiến kinh doanh vô cùng độc đáo, đây là sự lựa chọn nhiều thử thách nhưng cũng hứa hẹn mang tới những thành công đáng kể cho các bạn và cho nền kinh tế nước nhà.
Như Châu Thanh Vũ, chàng trai xuất sắc nhận 8 học bổng toàn phần hiện là nghiên cứu sinh của Đại học Harvard (Mỹ), đã chia sẻ: “Tôi quyết định sẽ về”. Châu Thanh Vũ cho rằng trở về quê hương làm việc, cống hiến là “nghĩa vụ” của những du học sinh.
Hay cái tên quen thuộc Lê Hồng Minh, người đã thành lập Vinagame (VNG) vào năm 2004 và dần dần biến nó trở thành công ty kinh doanh thương mại điện tử lớn nhất cả nước là du học sinh trở về từ nước Úc.
Dù lựa chọn định cư hay trở về, các bạn, những con người với tuổi trẻ và tài năng hoàn toàn có thể cống hiến cho nước nhà, thực hiện nghĩa vụ của một người công dân với đất nước. Điển hình như GS-TS Ngô Bảo Châu, dù hiện nay ông vẫn sống, làm việc tại nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên có những đóng góp quan trọng cho nền Toán học Việt Nam. Và chắc chắn rằng không thiếu những con người khác dù nơi đất khách vẫn đang âm thầm cống hiến cho nước nhà.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)