Ngành Kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Trong bài viết hôm nay, JobsGO sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về ngành này.
Mục lục
- 1. Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Là Gì?
- 2. Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Học Những Gì?
- 3. Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Học Ở Đâu? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
- 4. Học Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Ra Làm Gì?
- 5. Mức Lương Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Cao Không?
- 6. Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Có Được Ưa Chuộng?
- 7. Tố Chất Cần Có Để Học Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp
- 8. Cơ Hội Việc Làm Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Như Thế Nào?
- Câu hỏi thường gặp
1. Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Là Gì?
Ngành Kinh tế nông nghiệp (Agricultural Economics) là một lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng các nguyên lý kinh tế vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ, phân phối các sản phẩm nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp không chỉ đơn thuần là sản xuất nông sản, mà còn liên quan đến các hoạt động kinh doanh, tài chính, quản lý nguồn lực và phát triển cộng đồng nông thôn. Bằng cách áp dụng các phương pháp và công nghệ hiện đại, ngành này có thể tối ưu hóa sản xuất, tăng cường năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu các vấn đề về môi trường và tài nguyên…
Ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của một quốc gia, đặc biệt là đối với các nền kinh tế nông thôn như Việt Nam. Mặc dù tại nước ta đang chứng kiến sự dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp cũng là một nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều người dân.
2. Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Học Những Gì?
Trong ngành Kinh tế nông nghiệp, sinh viên thường cần học một loạt các môn học để có kiến thức cơ bản, chuyên nghiệp và chuyên sâu về lĩnh vực này. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan về các môn học thường gặp trong ngành:
- Khối kiến thức giáo dục đại cương: Bao gồm các môn chung mà sinh viên thuộc bất kỳ ngành nào cũng cần theo học chẳng hạn như Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng, Toán, Kinh tế vĩ mô,… Những môn học này giúp nâng cao lòng yêu nước cho sinh viên; cung cấp kiến thức, kỹ năng và sức khỏe nền tảng để sinh viên có thể tiếp thu tốt kiến thức chuyên sâu vào thời gian sau.
- Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: Bao gồm các môn học liên quan mật thiết tới lĩnh vực Kinh tế nông nghiệp như Quản trị kinh doanh nông nghiệp, Đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, Phân tích chính sách nông nghiệp nông thôn, Thị trường nông sản thế giới,… Thông qua các môn học này, sinh viên sẽ được học về cách quản lý, điều hành doanh nghiệp ngành nông nghiệp; hiểu về các phương pháp, chiến lược đầu tư để phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn; nắm rõ thông tin thị trường nông sản quốc tế, cũng như ảnh hưởng của nó đối với nông nghiệp trong nước;…
- Kiến thức chuyên sâu: Bao gồm các môn như Tổ chức và phân tích ngành hàng nông sản (học về cách tổ chức và quản lý sản xuất, tiêu thụ, phân phối các sản phẩm nông sản); Công nghệ trồng trọt và chăn nuôi (nghiên cứu về các kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp); Cơ khí và công nghệ sau thu hoạch (học về các công nghệ và thiết bị sử dụng trong quá trình thu hoạch và xử lý sản phẩm sau thu hoạch);…
- Thực hành: Thực hành thông qua các hoạt động trên cánh đồng, trong trang trại hoặc các dự án nghiên cứu giúp sinh viên áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế sản xuất và quản lý nông nghiệp.
3. Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Học Ở Đâu? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
Hiện nay tại Việt Nam không có nhiều trường đại học cung cấp chương trình đào tạo ngành Kinh tế nông nghiệp. Nếu bạn đang muốn theo học ngành này, hãy tham khảo ngay thông tin dưới đây.
Khu vực | Đại học | Ngành | Khối thi | Điểm tuyển sinh 2023 |
Miền Bắc | Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên | Kinh tế nông nghiệp | A00; B00; C02 | 15 |
Đại học Kinh tế Quốc dân | Kinh tế nông nghiệp | A00; A01; D01; B00 | 26.2 | |
Miền Trung | Đại học Kinh tế – Đại học Huế | Kinh tế nông nghiệp | A00; A01; C15; D01 | 17 |
Đại học Tây Nguyên | Kinh tế nông nghiệp | A00; A01; D01; D07 | 15 | |
Đại học Quang Trung | Kinh tế nông nghiệp | A09; B08; C08; D01 | 15 | |
Miền Nam | Đại học Cần Thơ | Kinh tế nông nghiệp | A00; A01; C02; D01 | 22.35 |
4. Học Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Ra Làm Gì?
Ngành Kinh tế nông nghiệp ra trường làm gì? Dựa trên kiến thức và kỹ năng trau dồi được trong thời gian học đại học, cử nhân ngành Kinh tế nông nghiệp có thể phát triển sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau:
4.1. Chuyên Viên Tư Vấn Các Dự Án Nông Nghiệp, Phát Triển Nông Thôn, Xóa Đói Giảm Nghèo
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Kinh tế nông nghiệp có thể làm việc tại vị trí chuyên viên tư vấn trong các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn. Công việc này bao gồm nhiệm vụ phân tích tình hình thực tế, đề xuất giải pháp và hỗ trợ triển khai các dự án nhằm cải thiện hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và giảm đói giảm nghèo cho nông dân.
4.2. Nhân Viên Kinh Doanh Các Sản Phẩm Nông Nghiệp
Một lựa chọn khác cho cử nhân ngành Kinh tế nông nghiệp là làm việc trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Người làm việc tại vị trí này cần hiểu biết vững về thị trường nông sản; có khả năng tìm kiếm, phát triển thị trường; biết cách xây dựng mối quan hệ với khách hàng và đối tác kinh doanh.
4.3. Chuyên Viên Nghiên Cứu, Phát Triển Thị Trường Nông Nghiệp
Với kiến thức chuyên sâu về thị trường nông sản, sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thị trường nông nghiệp. Tại vị trí này, người làm việc sẽ phụ trách phân tích thị trường, dự báo nhu cầu và xu hướng tiêu thụ, đề xuất chiến lược tiếp thị và quảng cáo để tối ưu hóa doanh số bán hàng.
4.4. Quản Lý Xưởng, Nhà Máy Sản Xuất Nông Sản
Với kỹ năng quản lý kinh doanh và hiểu biết về quy trình sản xuất nông nghiệp, cử nhân Kinh tế nông nghiệp có thể ứng tuyển vào vị trí quản lý trong các xưởng và nhà máy sản xuất nông sản. Công việc bao gồm điều hành hoạt động sản xuất, quản lý nhân sự và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
4.5. Giảng Viên
Nếu có mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với thế hệ sau, cử nhân ngành Kinh tế nông nghiệp có thể theo đuổi sự nghiệp giảng dạy. Tuy nhiên, để có cơ hội làm việc tại vị trí này, người lao động cần có kiến thức sâu rộng, tinh thần trách nhiệm và khả năng truyền đạt tốt.
5. Mức Lương Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Cao Không?
Mức lương ngành Kinh tế nông nghiệp không cố định mà có thể cao hoặc thấp tùy thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí công việc, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, địa điểm làm việc, quy mô công ty,… Dưới đây là một vài thông tin tổng quan về mức lương trong ngành này:
- Sinh viên mới ra trường: Những người mới gia nhập vào thị trường lao động thường được trả mức lương phổ biến từ khoảng 6 – 9 triệu đồng/tháng.
- Người lao động 1 – 3 năm kinh nghiệm: Sau khi tích lũy được thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tế, người làm việc trong ngành Kinh tế nông nghiệp có thể được trả mức lương từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.
- Quản lý: Mức lương của những người làm việc tại vị trí quản lý phổ biến trong khoảng 17 – 20 triệu đồng/tháng hoặc hơn, tùy thuộc vào vị trí và cơ sở làm việc.
- Chủ doanh nghiệp và quản lý cấp cao: Những người đứng đầu doanh nghiệp hoặc làm việc tại các vị trí quản lý cấp cao có mức lương cao hơn, có thể lên đến vài chục triệu đồng/tháng, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào quy mô và thành công của doanh nghiệp.
6. Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Có Được Ưa Chuộng?
Tại Việt Nam, ngành Kinh tế nông thôn không phổ biến và cũng ít trường đại học cung cấp chương trình đào tạo ngành này. Điểm tuyển sinh ngành này cũng không quá cao, phổ biến trong khoảng 15 – 17 điểm. Vấn đề có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, bao gồm cả việc học sinh và các bậc phụ huynh chưa nhận thấy được tiềm năng của ngành.
7. Tố Chất Cần Có Để Học Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp
7.1. Quan Tâm Đến Nông Nghiệp
Quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố quan trọng để học tập và làm việc hiệu quả trong ngành Kinh tế nông nghiệp. Niềm đam mê với quy trình sản xuất nông sản, với cuộc sống, văn hóa nông thôn sẽ giúp sinh viên có động lực để vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công với ngành này.
7.2. Khả Năng Phân Tích Tốt
Khả năng phân tích là một trong những kỹ năng quan trọng trong ngành Kinh tế nông nghiệp. Sinh viên cần có khả năng hiểu và phân tích các dữ liệu kinh tế, xã hội, môi trường liên quan đến nông nghiệp; từ đó đưa ra những quyết định, giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề trong ngành.
7.3. Có Năng Lực Quản Lý, Kinh Doanh
Có năng lực quản lý và kinh doanh là một yếu tố quan trọng để thành công trong lĩnh vực Kinh tế nông nghiệp. Sinh viên cần có kiến thức vững về quản lý doanh nghiệp, tài chính, tiếp thị, phân phối, cũng như khả năng lãnh đạo và tạo ra giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
7.4. Khả Năng Làm Việc Độc Lập Và Làm Việc Nhóm
Trong ngành Kinh tế nông nghiệp, sinh viên cần có khả năng làm việc độc lập để đưa ra các phân tích và giải pháp cá nhân. Đồng thời, người học cũng cần có khả năng làm việc nhóm để hợp tác với bạn học, đồng nghiệp và cùng nhau chia sẻ ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm.
7.5. Không Ngừng Học Và Tự Học
Ngành Kinh tế nông nghiệp liên tục thay đổi và phát triển, do đó sinh viên cần có tinh thần không ngừng học hỏi để cập nhật kiến thức mới nhất. Từ đó áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất và quản lý.
8. Cơ Hội Việc Làm Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Như Thế Nào?
Ngành Kinh tế nông nghiệp mang lại cơ hội việc làm tương đối đa dạng cho sinh viên và người lao động quan tâm đến lĩnh vực này.
- Làm việc trong các cơ quan nhà nước: Cử nhân ngành Kinh tế nông nghiệp có thể làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh, huyện; cũng như tại các cơ quan nghiên cứu, quản lý và thi hành chính sách nông nghiệp.
- Tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trong nước và quốc tế: Có nhiều cơ hội việc làm trong các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp cho cử nhân ngành Kinh tế nông nghiệp, từ các trang trại, xí nghiệp chăn nuôi, trồng trọt cho đến các công ty chế biến, xuất khẩu, phân phối nông sản. Ngoài ra, người lao động cũng có thể làm việc trong các tổ chức quốc tế như FAO, IFAD, hoặc các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp.
- Trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu: Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Kinh tế nông nghiệp có thể làm việc với vai trò giảng viên, nghiên cứu viên, hoặc tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực Kinh tế nông nghiệp.
Bạn yêu thích nông nghiệp và muốn đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực này? Vậy thì hãy thử tìm hiểu về Kinh tế nông nghiệp nhé! Chương trình học ngành Kinh tế nông nghiệp sẽ cung cấp cho bạn kiến thức, kỹ năng nền tảng để bạn hiện thực hóa mục tiêu của mình.
Câu hỏi thường gặp
1. Có Nên Học Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Không?
Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của ngành này thì ngại gì mà không theo học ngành Kinh tế nông nghiệp.
2. Tìm Việc Làm Ngành Kinh Tế Nông Nghiệp Bằng Cách Nào?
Bạn có thể tìm việc làm trong ngành Kinh tế nông nghiệp thông qua các trang web việc làm uy tín như JobsGO; tham gia các sự kiện, hội thảo ngành nông nghiệp; liên hệ với các tổ chức nông nghiệp và các trường đại học có chương trình đào tạo liên quan;...
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)