Mô hình STAR là gì? Cách sử dụng kỹ thuật STAR khi trả lời phỏng vấn

Đánh giá post

Bạn gặp khó khăn để đưa ra câu trả lời ngắn gọn cho các câu hỏi phỏng vấn? Bạn không chắc chắn làm thế nào để chia sẻ thành tích của mình trong một cuộc phỏng vấn mà không có vẻ gì là khoe khoang? Kỹ thuật trả lời phỏng vấn bằng mô hình STAR có thể giúp ích cho bạn. Sử dụng phương pháp này cho phép bạn cung cấp các ví dụ cụ thể hoặc bằng chứng rằng bạn có kinh nghiệm và kỹ năng cho công việc hiện tại.

 Mô hình STAR trong phỏng vấn là gì?

mô hình star
Mô hình STAR trong phỏng vấn là gì?

Mô hình STAR trong phỏng vấn hỗ trợ bạn trả lời các câu hỏi dạng tình huống thông qua một mô hình với trình tự như sau:

  • Situation: Giới thiệu qua về một sự kiện, dự án nổi bật đã tham gia và thực hiện trước đó.
  • Task: Mô tả chi tiết về trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể bạn đảm nhận trong dự án.
  • Action: Để dự án đi tới thành công, bạn đã làm những gì?
  • Result: Kết quả cuối cùng mà dự án của bạn đạt được.

Việc tuân thủ đúng trình tự trả lời như trên sẽ giúp ứng viên trả lời được các câu hỏi phỏng vấn một cách khoa học và ấn tượng nhất.

Kỹ thuật này thường được áp dụng với những câu hỏi thực tế có dạng như sau:

  • “Hãy kể về một lần bạn từng…”
  • “Bạn làm gì khi…”
  • “Hãy mô tả về…”
  • “Bạn đã bao giờ…”
  • “Hãy đưa ra một ví dụ cho thấy…”

>> Xem thêm: Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc bạn nên biết

Các bước trả lời câu hỏi phỏng vấn với mô hình STAR

STAR là cụm từ viết tắt của bốn khái niệm chính. Mỗi khái niệm là một bước ứng viên có thể sử dụng để trả lời một câu hỏi phỏng vấn về hành vi. Bằng cách áp dụng lần lượt từng bước, ứng viên sẽ có thể cung cấp câu trả lời hoàn chỉnh.

mô hình star là gì
Các bước trả lời câu hỏi phỏng vấn với kỹ thuật STAR

Các khái niệm trong từ viết tắt bao gồm:

Situation (Tình huống) 

Đầu tiên, hãy mô tả bối cảnh mà bạn đã thực hiện một công việc hoặc đối mặt với một thách thức trong công việc. Ví dụ: bạn gặp khó khăn khi thực hiện một dự án nhóm, hoặc bạn có xung đột với đồng nghiệp. Tình huống này có thể được rút ra từ kinh nghiệm làm việc, vị trí tình nguyện hoặc bất kỳ sự kiện liên quan nào khác. Tuy nhiên, việc mô tả không quá dài dòng để tránh làm nhà tuyển dụng bị “chán” khi nghe câu chuyện mà bạn đang truyền tải.

Task (Nhiệm vụ)

Tiếp theo, hãy mô tả trách nhiệm của bạn trong tình huống đó. Ví dụ như bạn phải giúp nhóm của mình hoàn thành một dự án trong thời hạn ngắn, giải quyết xung đột với đồng nghiệp hoặc đạt được mục tiêu bán hàng. Việc này sẽ giúp nhà tuyển dụng đưa ra những đánh giá chính xác về phạm vi thực hiện cũng như hiệu quả công việc bạn đảm nhận.

Ngoài ra, bạn có thể đề cập thêm những yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai và cách bạn đối phó với chúng để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Action (Hành động)

Sau đó, bạn đi sâu trình bày cách bạn đã hoàn thành nhiệm vụ hoặc nỗ lực để đáp ứng thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hãy tập trung vào những gì bạn đã làm, hơn là những gì nhóm, sếp hoặc đồng nghiệp của bạn đã làm. (Mẹo: Thay vì nói, “Chúng tôi đã làm abc”, hãy nói “Tôi đã làm abc.”)

Có thể coi đây là phần trọng tâm, cần được chú trọng đầu tư trong câu trả lời của bạn. Bởi nó sẽ giúp bạn “khoe” ra những phẩm chất, kỹ năng cần thiết phục vụ cho vị trí đang ứng tuyển.

Result (Kết quả)

Cuối cùng, bạn hãy giải thích kết quả được tạo ra bởi hành động của bạn. Nếu dự án thành công, hãy nhấn mạnh về thành tựu thông qua số liệu hay minh chứng cụ thể bạn đã đạt được. Còn nếu dự án chỉ được giải quyết một phần nào đó và bạn cần tới sự giúp đỡ của người khác thì đừng quên trình bày về những gì bạn học được từ quá trình thực hiện.

>> Xem thêm: 9 cách tự tin khi phỏng vấn

Các bước tiêu chuẩn để ứng dụng mô hình STAR

mô hình star la gì
Các bước tiêu chuẩn để ứng dụng kỹ thuật STAR

Để có thể ứng dụng kỹ thuật STAR trong phỏng vấn xin việc một cách hiệu quả nhất, bạn nên tuân thủ 4 bước sau đây:

Đưa ra ví dụ điển hình cho mỗi câu hỏi

Đầu tiên, bạn nên bắt đầu mô hình STAR bằng cách đặt ra tình huống phù hợp cho mỗi câu hỏi. Thật vậy, không có cách nào giúp bạn nắm bắt suy nghĩ cũng như cách khai thác vấn đề của nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Chính vì thế, việc chuẩn bị sẵn những câu chuyện với cho một vài hoàn cảnh cụ thể sẽ giúp bạn ứng biến linh hoạt với các thách thức mà nhà tuyển dụng đưa ra.

Sắp xếp theo trình tự

Câu chuyện mà bạn mong muốn truyền tải tới nhà tuyển dụng chỉ thật sự đem lại hiệu quả và giá trị cao khi bạn sắp xếp các tình huống theo một trình tự rõ ràng và khoa học. Bạn cần đảm bảo đem lại cho người nghe một bức tranh cụ thể nhất và làm nổi bật được những nội dung trọng tâm trong đó. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình STAR, bạn cần lưu ý trả lời đúng vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu và “đánh thẳng” vào nội dung câu hỏi.

Bạn có thể xin phép nhà tuyển dụng một vài phút để sắp xếp và kết nối câu chuyện của mình để đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất. Bởi sự phản hồi vội vàng với nội dung trống rỗng, thiếu liên kết sẽ là một điểm trừ cho buổi phỏng vấn của bạn.

Nhấn mạnh nhiệm vụ bản thân và cách giải quyết vấn đề

Bước thứ 3 trong quy trình áp dụng mô hình STAR là chia sẻ chi tiết về nhiệm vụ bản thân cũng như cách giải quyết vấn đề. Công việc càng được mô tả chân thật, cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ càng dễ dàng đánh giá năng lực của bạn hơn. Một ví dụ về câu trả lời dành cho vị trí HR là: “Tôi đảm nhiệm vị trí tuyển dụng của công ty… Nhiệm vụ của tôi trong quý đầu tiên là gia tăng 50% các nguồn cung ứng nhân lực từ các trường Đại học, Cao đẳng, đơn vị đào tạo nghề… phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của công ty.”

Sau khi giúp nhà tuyển dụng có những mường tượng về công việc bạn từng làm, bạn cần đi sâu trình bày cách thức bạn thực hiện để giải quyết nhiệm vụ đó, cụ thể như:

  • Bạn xây dựng kế hoạch chi tiết như thế nào?
  • Bạn giải quyết công việc bằng cách nào?
  • Khi gặp phải khó khăn, bạn đã làm gì?

Hãy chắt lọc thông tin để có thể đưa đến nhà tuyển dụng một câu trả lời hấp dẫn và giá trị nhất nhé!

mo hinh star
Nhấn mạnh nhiệm vụ bản thân và cách giải quyết vấn đề

Trình bày kết quả cuối cùng

Kết quả cuối cùng của những công việc bạn thực hiện sẽ là căn cứ quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá chính xác về quá trình bạn làm việc. Vậy nên, bạn hãy chia sẻ về thành tựu hay nhưng kinh nghiệm, bài học bạn tích lũy được sau khi hoàn thành các dự án trong quá khứ.

>> Xem thêm: Đi phỏng vấn mặc gì để tạo ấn tượng tốt?

Ví dụ câu hỏi và câu trả lời phỏng vấn theo phương pháp STAR

Để giúp bạn có những hình dung cụ thể về cách áp dụng mô hình STAR trong phỏng vấn, dưới đây là ví dụ câu hỏi và câu trả lời theo phương pháp này mà bạn có thể tham khảo.

Giả sử, trong buổi phỏng vấn, bạn nhận được câu hỏi từ nhà tuyển dụng: “Bạn hãy cho thấy một ví dụ về tình huống bạn có thể làm việc dưới áp lực lớn”. Bạn có thể sử dụng kỹ thuật STAR để trả lời như sau:

  • Trước tiên, bắt đầu với tình huống: Bạn có thể mở đầu câu trả lời của mình với một tình huống cụ thể như sau: “Một lần, trong quá trình thực hiện dự án, do có việc gia đình khẩn cấp, đồng nghiệp phụ trách đã bỏ dở dự án và làm cho dự án không có người quản lý”.
  • Tiếp theo, nói về nhiệm vụ: “Trong tình huống đó, cấp trên đã hướng dẫn tôi tiến hành dự án. Với sự gấp rút về thời gian, tôi chỉ có vài ngày để hoàn thành thay vì vài tuần như kế hoạch đề ra”.
  • Sau đó, trình bày những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề: “Để có thể tập trung tối đa vào dự án, tôi đã đề xuất giảm nhiệm vụ hàng tuần của mình và được cấp trên chấp thuận. Tôi bắt tay triển khai dự án bằng cách sắp xếp và phân công công việc cho đồng đội thuộc dự án”.
  • Cuối cùng, chia sẻ về kết quả đạt được: “Việc vạch ra kế hoạch rõ ràng cũng như phân công công việc hiệu quả đã giúp tôi có thể hoàn thành dự án đúng hạn với độ chính xác vô cùng cao. Thông qua dự án đó, tôi nhận được sự công nhận từ cấp trên và được tin tưởng giao cho nhiều dự án. Đồng thời, cấp trên cũng đề xuất tôi vào vị trí cao với mức lương hấp dẫn hơn”.

Lưu ý rằng, khi trả lời phỏng vấn theo kỹ thuật này, bạn nên ưu tiên sử dụng ngôi thứ nhất “Tôi” thay vì “Chúng tôi” để có thể dồn trọng tâm chú ý vào bạn.

mo hinh start la gi
Ví dụ câu hỏi và câu trả lời phỏng vấn theo phương pháp STAR

Câu hỏi tình huống là một cơ hội giúp bạn đạt được điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng, đặc biệt khi bạn có thể tận dụng nó nhằm thể hiện điểm mạnh cũng như kinh nghiệm của bản thân. Với mô hình STAR, JobsGO chúc bạn sẽ tự tin hoàn thành tốt lần phỏng vấn tiếp theo!

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: