Có nhiều bạn phỏng vấn rất tốt, thậm chí chắc chắn đậu tới 99% nhưng sau đó lại không có thông báo trúng tuyển hoặc không nhận được hồi âm. Trên thực tế nhà tuyển dụng có một số lý do bảo mật không thể nói trực tiếp cho các ứng viên. Các bạn nên biết để hiểu hơn về quy trình tuyển dụng cũng như bớt hoang mang khi bị loại.
1. Công ty thay đổi kế hoạch
Đây là lý do phổ biến nhất ở các công ty, thậm chí ngay cả các tập đoàn lớn. Thông thường quy trình tuyển dụng sẽ là: Người phụ trách một phòng ban gửi đề xuất tuyển người cho bộ phận tuyển dụng với những yêu cầu, trách nhiệm cụ thể, sau đó bộ phận tuyển dụng đăng tin, thu nhận hồ sơ, trải qua một đến 3 vòng phỏng vấn để tìm ra ứng viên phù hợp.
Nhưng bỗng một ngày phòng ban đó thay đổi kế hoạch không tuyển người nữa, lý do thì có vô vàn lý do, có thể vì dự án tạm thời dừng hoạt động, chưa có đủ kinh phí lương, điều người từ bộ phận sang, sếp hứng lên không muốn tuyển nữa, hay thậm chí đã có người quen được giới thiệu tay ngang không qua tuyển dụng…
Đây là lý do khách quan đến từ phía công ty và tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ nói với bạn điều đó. Bạn hãy chấp nhận sự thật rằng đời không như là mơ, mình cứ chuẩn bị thật tốt còn kết quả thì không có gì chắc chắn hết.
2. Bạn không phù hợp với văn hóa công ty
Đây cũng là lý do phổ biến nhà tuyển dụng từ chối nhưng sẽ không nói thẳng với ứng viên. Khi các bạn đã qua vòng phỏng vấn chuyên môn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá đến tính cách để lựa chọn ra người phù hợp với văn hóa của công ty. Nếu bạn không phù hợp họ sẽ không chọn bạn. Ví dụ nếu môi trường công ty là môi trường trẻ, năng động nhưng bạn lại là người quá cứng nhắc và làm việc nguyên tắc, quy trình thì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ không lựa chọn bạn. Nhưng cũng đừng vì vậy mà buồn, vì cho dù bạn có vào công ty, thì sau một hai tháng sự khác biệt sẽ làm bạn chán ngay thôi.
Đây không phải là lỗi của bạn hay lỗi từ phía nhà tuyển dụng, vì vậy đừng quá ép mình, hãy lựa chọn môi trường văn hóa phù hợp nhất vơi bản thân để cảm thấy thoải mái và làm việc tốt nhất.
3. Bạn làm tốt nhưng vẫn có người tốt hơn
Có thể chuyên môn của bạn rất giỏi, bạn đã thể hiện rất xuất sắc trong buổi phỏng vấn nhưng bên cạnh bạn vẫn có hàng tá ứng viên. Nếu có người hơn bạn ở một số kỹ năng ngoài lề nào đó thì bạn sẽ không được chọn. Ví dụ bạn ứng tuyển vị trí content marketing nhưng một bạn khác lại biết thêm về design thì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn bạn đó nếu chuyên môn, kinh nghiệm và bằng cấp của hai người ở mức tương đương nhau.
Vì vậy đừng buồn khi trượt, đừng hoang mang khi không nhận được hồi âm cũng không cần phải thất vọng hay thắc mắc lý do vì đôi khi đó là những lý do khách quan không phải do bạn. Việc cần làm là chuẩn bị thật tốt và luôn kiên trì, lạc quan, phỏng vấn xin việc càng nhiều lại càng có thêm kinh nghiệm.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)