Văn hóa doanh nghiệp: Người tìm việc cần lưu ý gì?

Đánh giá post

Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô giá của mỗi một công ty, tổ chức. Đây là kim chỉ nam “dẫn lối” doanh nghiệp tiến tới thành công. Văn hóa doanh nghiệp cũng là một trong những tiêu chuẩn quyết định tới kết quả của các ứng viên. Dưới đây, JobsGO sẽ tổng hợp những yếu tố mà người tìm việc cần lưu ý về văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp bao gồm những gì?

Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị cơ bản và đặc trưng nhất được xây dựng trong suốt quá trình hình thành, phát triển của doanh nghiệp. 

Văn hóa doanh nghiệp hiện nay thường gồm 3 thành phần chính: sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi. Nếu như sứ mệnh là tuyên bố về mục đích và lý do tồn tại của công ty thì tầm nhìn giống như bản phác thảo những định hướng dài hạn trong tương lai của doanh nghiệp. 

Biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp được thể hiện dưới 2 dạng: hữu hình và vô hình

  • Hữu hình

Biểu hiện hữu hình là những giá trị có thể quan sát được, thể hiện ngay ở bề ngoài của doanh nghiệp, ví dụ như khẩu hiệu, đồng phục, các quy định, mô tả công việc, các hoạt động,… Nhân viên và các khách hàng của công ty có thể nhanh chóng nhận thức được các giá trị này từ đó đưa ra cảm nhận, đánh giá về mức độ phù hợp của mình với doanh nghiệp.

  • Vô hình

Biểu hiện vô hình là giá trị cốt lõi, giá trị bên trong của doanh nghiệp, chỉ có thể được nhận thức qua quá trình tiếp xúc. Phong cách, thái độ, lối làm việc và suy nghĩ của các cá nhân trong công ty chính là các giá trị vô hình ấy. Chúng thường được xây dựng và truyền đạt từ các nhà quản trị của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô giá
Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô giá

Các yếu tố hình thành nên văn hóa doanh nghiệp

Con người

Con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp, là nhân tố quyết định sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng như thực hiện hóa những điều đó. Con người ở đây bao gồm tất cả cá nhân trong tổ chức, cả lãnh đạo lẫn những nhân viên công ty. Các nhà quản trị ảnh hưởng rất lớn đến các nhân viên, trong khi các nhân viên chính là người quyết định kết quả cuối cùng của các công việc, dự án của người lãnh đạo. 

Xem thêm: Nhà quản trị nên tạo động lực cho nhân viên như thế nào?

Nếu các cá nhân đều phù hợp với văn hóa công ty và mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trong công ty đoàn kết, hiệu quả làm việc, đặc biệt là làm việc nhóm sẽ được nâng cao. Vì vậy, ở các doanh nghiệp lớn, yếu tố con người luôn được đặt là trung tâm. Trong quá trình tuyển dụng, họ lựa chọn khắt khe những ứng viên không chỉ tiềm năng mà còn phải phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

Con người quyết định đến văn hóa doanh nghiệp
Con người quyết định đến văn hóa doanh nghiệp

Môi trường làm việc

Môi trường làm việc chắc hẳn có ảnh hưởng đến tinh thần và năng suất làm việc của chúng ta. Chẳng hạn làm việc trong một môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn vì gần khu vực ga tàu hay sân bay mà không có cách âm, bạn sẽ khó thể nào tập trung vào công việc. Dù không thể dễ dàng thay đổi địa điểm làm việc, kinh doanh, tuy nhiên bạn ít nhất cần chú ý đến thiết kế nội thất, bố trí văn phòng bên trong doanh nghiệp. 

Ngày nay, thiết kế môi trường làm việc “mở” trở thành xu hướng mới cho nhiều doanh nghiệp và đặc biệt là Startup. Một văn phòng thiết kế bắt mắt, không bị gò bó sẽ giúp thúc đẩy tính sáng tạo. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp linh hoạt cho phép nhân viên có những làm việc tại nhà, tại các quán cà phê hay bất cứ địa điểm nào tạo cảm hứng cho họ. Tuy nhiên, tùy theo phong cách, sở thích cá nhân mà hãy tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp và tạo được sự thoải mái nhất cho bạn.

Xem thêm: Hãy sắp xếp văn phòng của bạn để nâng cao năng suất làm việc

Đối tác và khách hàng

Ban đầu, yếu tố này có vẻ như không ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa doanh nghiệp. Nhưng sau một quá trình làm việc, bạn nhất định sẽ phải tiếp nhận những đặc điểm văn hóa của họ. Những điều này tưởng chừng như nằm ngoài kiểm soát của các nhà quản trị doanh nghiệp. Thực tế, những sản phẩm và dịch vụ doanh nghiệp cung cấp sẽ quyết định các đối tác và khách hàng của doanh nghiệp. Vì vậy, sửa đổi sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cũng chính là điều chỉnh những đối tác và khách hàng lý tưởng hơn. 

Tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Kiểm tra trên Internet

Hầu hết các công ty đều có ghi rõ ràng về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi trên website. Việc bạn cần là đọc thật kỹ mục “giới thiệu” để hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp. Một số trang web của công ty còn đưa những lời tâm sự, chứng thực của nhân viên. Bạn có thể nghiên cứu chi tiết hơn thông qua cả các bài báo, các thông tin ngoài lề trên các nền tảng trực tuyến. Chỉ cần gõ tên công ty trên các công cụ tìm kiếm là bạn đã có một nguồn tài nguyên khổng lồ.

Hỏi thăm nhân viên doanh nghiệp

Ý kiến từ nội bộ doanh nghiệp chắc hẳn rất đáng để tham khảo. Nếu bạn quen biết bất kỳ một ai làm việc ở công ty mà bạn đang quan tâm, đừng ngại thực hiện một cuộc phỏng vấn nho nhỏ để hiểu được đặc điểm văn hóa doanh nghiệp nổi bật mà công ty đang duy trì là gì. Đặc biệt, nên chọn những người bạn có thể tin tưởng như bạn bè, tiền bối,… 

Ngoài hỏi những câu hỏi khái quát về văn hóa doanh nghiệp, bạn cũng nên quan tâm cả các vấn đề như tỷ lệ thay đổi nhân viên hay mức độ tiếp nhận ý tưởng mới từ nhân viên của công ty. Hoặc nếu không có mối quan hệ nào, bạn có thể thử kết nối với nhân viên công ty thông qua công cụ LinkedIn. Trong trường hợp này, bạn hãy chú ý giao tiếp thật lịch sự.

Đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn

Đây là cơ hội cuối cùng để bạn được giải đáp mọi thắc mắc về văn hóa doanh nghiệp. Nhà phỏng vấn chắc chắn sẽ đặt những câu hỏi để kiểm tra xem bạn có phù hợp với văn hóa công ty hay không. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chủ động thể hiện rằng mình đã có sự tìm hiểu trước về văn hóa doanh nghiệp và chứng minh bản thân phù hợp như thế nào. Bạn cũng nên đặt thêm các câu hỏi về các yếu tố cụ thể hơn như công ty ưu tiên phong cách làm việc nhóm hay độc lập hơn, môi trường làm việc hàng ngày của công ty như thế nào.

Người tìm việc nên tìm hiểu sâu về văn hóa doanh nghiệp
Người tìm việc nên tìm hiểu sâu về văn hóa doanh nghiệp

Kết

Nếu bạn đang có nhu cầu ứng tuyển một công việc bất kỳ, hãy cố gắng nắm bắt thật rõ văn hóa doanh nghiệp. Hành động tưởng như đơn giản chắc hẳn sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong kết quả của bạn. JobsGO chúc bạn luôn thành công có được những cơ hội việc làm tốt nhất. 

Xem thêm: Môi trường làm việc lý tưởng: Tìm như thế nào?

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: