Bài học tuyển dụng nhân tài từ Lưu Bị trong 3 lần đi “phỏng vấn” Gia Cát Lượng

4.6/5 - (9 votes)

“Tam quốc diễn nghĩa” là tiểu thuyết lịch sử vô cùng nổi tiếng của Trung Quốc. Độc giả yêu thích tiểu thuyết này chắc hẳn sẽ ấn tượng với “tam cố thảo lư” của Lưu Bị. Lưu Bị cùng với Trương Phi và Quan Vân Trường lặn lội mất 3 lần tới nhà tranh mới gặp và mời được Gia Cát Lượng ra giúp sức.

Vì sao Gia Cát Lượng chọn đầu quân cho Lưu Bị mà không phải Tào Tháo đầy quyền lực hay Tôn Quyền hùng mạnh? Lưu Bị đã tuyển dụng nhân tài cho “tập đoàn chính trị” của mình như thế nào? Cùng tìm hiểu bài học tuyển dụng nhân tài từ nhà lãnh đạo tài ba Lưu Bị để rút ra kinh nghiệm cho doanh nghiệp hiện đại.

1. Xây dựng thương hiệu cho tổ chức – chiêu bài mang tên “hoàng tộc họ Lưu”

Tam quốc thời đó rất loạn lạc, để làm nên nghiệp lớn thì phải có danh tiếng nhất định. Quan trọng hơn cả là xây dựng được hình ảnh, uy tín lãnh đạo để người tài tin, theo. Ở thời Trung Quốc lúc đó, đạo đức được đề cao hơn mọi thứ. Một vị lãnh đạo hiền từ và thấu tình đạt lý luôn thu hút nhân tài đầu quân. Phương châm của Lưu Bị là : “Nếu bạn tin tưởng ai đó, hãy tin tưởng họ một cách hoàn toàn. Nếu không thể tin tưởng hoàn toàn, thà rằng đừng tin”. Một lãnh đạo luôn tin tưởng nhân viên chắc hẳn là điều ai cũng mong muốn.

Lưu Bị đã đánh vào tâm lý của kẻ sĩ của Gia Cát Lượng. Lưu Bị biết Gia Cát Lượng là người theo Nho giáo, trọng trung, hiếu, nhân nghĩa. Nhà nước Đông Hán thời đó do Tào Tháo nắm trọn quyền lực, hoàng đế chỉ như con rối. Nếu Gia Cát Lượng theo Tào Tháo thì không thể giữ trọn đạo vua – tôi với hoàng đế Đông Hán. Ngược lại, Lưu Bị là người có huyết thống hoàng gia,  xuất thân từ hoàng tộc họ Lưu. Đây là thế mạnh áp đảo của Lưu Bị. Lấy phương châm phục hưng Hán Thất đánh vào lòng trung quân ái quốc của Gia Cát Lượng.

Lưu Bị 3 lần đến nhà tranh tìm gặp Gia Cát Lượng

2. Chủ động, tích cực tìm đến người tài

Tập đoàn chính trị của Lưu Bị giống như một công ty startup. Không có vốn, không có thị trường và không có thứ hạng. Một tập đoàn non trẻ như vậy mà chỉ “ôm cây đợi thỏ” thì chẳng thể tuyển dụng nhân tài. Thay vì “há miệng chờ sung”, ông đã lặn lội mất 3 lần gặp để mời Gia Cát Lượng xuất núi. Nhà tuyển dụng trực tiếp đến tìm ứng viên khiến ứng viên cảm nhận được tầm quan trọng của họ.

3. Thể hiện thành ý khi tuyển dụng nhân tài

Thành ý tuyển dụng nhân tài với Gia Cát Lượng được Lưu Bị thể hiện không chỉ qua 3 lần tới nhà tranh. Việc Lưu Bị đến tìm Gia Cát Lượng giống như một ông chủ 6X đến tìm một sinh viên 9X mới tốt nghiệp. Khi ấy, Gia Cát Lượng mới ngoài 20 tuổi.

Quan Vũ và Trương Phi tỏ ra thiếu kiên nhẫn với Gia Cát Lượng. Lưu Bị lại luôn rất bình tĩnh với ông. Lần thứ ba đến nhà tranh, Lưu Bị còn ăn chay trước đó 3 ngày. Đây là minh chứng rõ nhất trong việc tôn trọng và yêu mến người tài của Lưu Bị.

4. Cho ứng viên về cơ hội phát triển bản thân khi tham gia vào tổ chức

Theo Lưu Bị, Gia Cát Lượng sẽ có cơ hội phát triển bản thân một cách triệt để nhất.

Vào thời cuối Đông Hán, thế lực của Tào Tháo được coi là mạnh nhất trong các nước chư hầu. Dưới trướng Tào Tháo có vô vàn mưu sĩ tài giỏi như Quách Gia, Trình Dục, Tuân Úc… Nếu gia nhập thế lực Tào Ngụy của Tào Tháo, Gia Cát Lượng khó mà tận dụng được tài năng.

Ngược lại, Lưu Bị mặc dù có một dàn người tài như  Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi… Nhưng họ đều là những võ tướng hàng đầu. Còn quân sư xuất chúng thì Lưu Bị lại chưa có. Chính vì vậy nếu Gia Cát Lượng theo Lưu Bị, ông sẽ có cơ hội để thể hiện và tận dụng tài năng.

5. Phỏng vấn phù hợp với ứng viên

Trước khi đến gặp Gia Cát Lượng, Lưu Bị đã tìm hiểu kỹ về lý lịch, thông tin của ứng viên. Khi gặp Gia Cát Lượng, Lưu Bị hỏi: “ Hán thất suy đồi, gian thần lộng hành, Bị luôn muốn dốc sức làm việc nghĩa vì thiên hạ, nhưng tài hèn sức mọn nên vẫn chưa làm được gì nhiều. Nếu như tiên sinh đồng ý giúp đỡ kẻ dốt nát này, vậy thì quả là may mắn vô cùng!”. Đây vừa là câu hỏi cho Gia Cát Lượng, vừa là để Lưu Bị thăm dò tầm nhìn chiến lược của ứng viên.

Quy trình tuyển dụng người tài của Lưu Bị bài bản, theo một trình tự nhất định. Chính vì vậy nên Lưu Bị đã đạt được thành quả như ý muốn. Từ ba lần đến nhà tranh của Lưu Bị, bài học tuyển dụng nhân tài mà ông để lại chưa bao giờ lỗi thời. Không chỉ thời Tam Quốc loạn lạc, bài học về tuyển dụng vẫn có ý nghĩa đến tận ngày nay.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: