Khác với các thế hệ trước, ứng viên gen Z hiện nay đi tìm việc, ứng tuyển với tâm thế chủ động, thậm chí còn đề nghị các công ty phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu, mong muốn của họ. Chính vì vậy mà họ bị gắn cái mác “thế hệ ứng viên không nghe lời”. Vậy điều đó có thực sự đúng hay không?
Mục lục
1. Gen Z và quan điểm tìm việc hiện nay
Theo The Paper, tuyển dụng nhân sự là quá trình lựa chọn, khi mà doanh nghiệp sử dụng phương pháp kiểm tra, sàng lọc về lý lịch, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ,… để lựa chọn ra những ứng viên phù hợp. Tuy nhiên, “dòng chảy ngược” trong tuyển dụng đang dần phổ biến với các ứng viên gen Z – những người chủ động hơn khi tìm việc.
Gen Z thường được đánh giá là thế hệ trẻ, cá tính. Bởi vậy mà quan điểm về vấn đề tìm việc làm của họ cũng có phần khác biệt.
1.1 Gen Z chủ động chọn công ty
Đối với những bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z, việc lựa chọn công ty, chọn sếp rất quan trọng. Trước khi quyết định ứng tuyển vào công ty nào, họ sẽ tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về văn hóa, môi trường, chế độ đãi ngộ cũng như người quản lý,… Thông tin này có thể có ở rất nhiều nơi như mạng xã hội, trang web, báo chí,…
Theo khảo sát từ một công ty tư vấn, có khoảng 91% ứng viên trẻ tích cực điều tra lịch sử và tin tức tiêu cực của công ty, trong đó lại có 90% người được hỏi cho biết danh tiếng, sự uy tín của công ty sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển của họ.
Chính quan điểm này đã phá vỡ truyền thống đơn phương lựa chọn nhân sự của các doanh nghiệp. Không chỉ vậy, ứng viên thế hệ Z còn không ngại đưa ra những yêu cầu, đề xuất thay đổi cho phía doanh nghiệp.
1.2 Với gen Z, công ty không phải gia đình
Có thể thấy, tuyển dụng hiện nay tương đương với “bán” việc làm. Các doanh nghiệp cần phải tích cực hơn trong suy nghĩ về nhu cầu của giới trẻ, nhiệt tình hơn để chiêu mộ được thế hệ nhân tài – gen Z.
Trước đây, hầu hết ứng viên sẽ quan tâm nhiều đến lương thưởng, lộ trình thăng tiến,… Tuy nhiên, gen Z lại có cách tiếp cận khác, họ không chỉ chú tâm vào văn hóa, môi trường làm việc mà còn cả chiến lược phát triển của công ty, phong cách lãnh đạo,…
Những gì mà gen Z chú ý là điểm nổi bật mà hầu hết các công ty đều chưa hoàn thiện. Hành vi của nhân viên thế hệ Z dường như đang sàng lọc công ty phù hợp, thế nhưng thực tế họ lại đang điều hướng để doanh nghiệp bứt phá, thành công hơn trong cuộc chiến giành nhân tài.
Đối với gen Z, họ rất quan tâm đến việc cấp trên có như một “người thầy” hay không? Họ cần học hỏi, phát triển chứ không cần quá nhiều sự quan tâm về đời sống. Gen Z quan niệm: công ty không phải là gia đình, không cần phải thể hiện sự thân thiết, quý mến quá nhiều khi không cần thiết. Thay vào đó, mọi người hãy tập trung làm việc, thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ và hưởng đủ quyền lợi. Nhân viên và doanh nghiệp đang ở trong mối quan hệ hợp tác, công bằng, không phải là giúp đỡ nhau như gia đình.
Xem thêm: Thế hệ Z và những điều mà các nhà tuyển dụng cần biết
2. Gen Z: Một thế hệ ứng viên không nghe lời?
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, gen Z vô cùng cá tính, đôi khi là cứng đầu. Cũng bởi vậy mà nhiều nhà tuyển dụng nhận định rằng “gen Z là một thế hệ ứng viên không nghe lời”. Thế nhưng, sự thật có phải như vậy?
Thực tế, chúng ta đang sống trong một xã hội bình đẳng. Nhà tuyển dụng tìm người về để làm việc và trả lương, phúc lợi cho họ. Giữa 2 bên có hợp đồng lao động và hợp tác dựa trên các điều khoản nhất định. Vậy thì tại sao ứng viên lại phải luôn ở trong tâm thế sợ hãi, lo lắng và để nhà tuyển dụng quyết định tất cả?
Bạn là người có năng lực, có kỹ năng, trình độ và đủ tự tin để đảm nhận vị trí tuyển dụng. Và chẳng có lý do gì để bạn e dè, nhút nhát không dám thể hiện cả. Chính những người trẻ đầy tự tin, cá tính đó mới là đối tượng mà doanh nghiệp cần. Mặc dù ứng viên gen Z có những đòi hỏi, yêu cầu khá cao, song bản thân nhiều nhà tuyển dụng cũng phải ngầm thừa nhận rằng: họ xứng đáng có được những điều đó. Họ có lý do để “không nghe lời” nhà tuyển dụng, điều đó không có gì là sai.
Tất nhiên, chúng ta sẽ không thể quy chụp được tất cả những nhận định cho một thế hệ. Có những ứng viên thực sự đáng để doanh nghiệp lép vế. Nhưng cũng có những bạn thực sự chưa đủ năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu mà vẫn đòi hỏi.
Thực tế này đặt ra vấn đề là nhà tuyển dụng sẽ cần phải tinh tế, sáng suốt hơn trong vấn đề nhận xét, đánh giá ứng viên. Đây là điều quan trọng để doanh nghiệp tuyển chọn được người tài.
Xem thêm: Giải đáp cho 5 “lời đồn” về genZ chốn công sở
Như vậy, qua những phân tích, chia sẻ trên đây, chắc hẳn bạn đọc đã hiểu rõ về thế hệ ứng viên gen Z rồi phải không? Nếu còn ý kiến nào về chủ đề này, hãy để lại bình luận phía dưới nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)