“Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt”. Có những sự thật phũ phàng chỉ khi đi làm bạn mới có thể hiểu.
Mục lục
#1. Sự nghiệp của bạn có thể rẽ hướng
Ai trong số chúng ta cũng đều có hoài bão. Và điều đó thật tuyệt vời. Nhớ ngày ấy, khi còn là một cô gái đầy mộng mơ tuổi 17, tôi đã khao khát trở thành một nhà tâm lý học tuyệt vời để có thể giúp đỡ những người đang gặp khó khăn về mặt tình cảm. Và tôi đã theo đuổi ước mơ ấy thay vì nghe lời khuyên của ba mẹ. Tôi thi vào khoa tâm lý của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tốt nghiệp với tấm bằng Giỏi. Nhưng giấc mộng của tôi liệu có thành sự thật?
Khi bạn đọc được bài viết này, hẳn bạn đã biết công việc của tôi bây giờ là gì. Tôi hiện là một Marketer. Dừng một chút nhé! Bạn nghĩ rằng tôi làm việc trái ngành đúng không? Nhầm rồi bạn ơi! Tôi làm việc đúng ngành, vì chuyên ngành học của tôi chính xác là Tâm lý học Quản trị kinh doanh. Tôi được dạy về cách áp dụng các lý thuyết trong tâm lý học để quản lý nhân viên, sáng tạo nội dung và quảng bá sản phẩm.
Mặc dù vậy, tôi cũng phải khẳng định rằng, công việc mà tôi đang làm hiện không liên quan gì tới ước mơ thuở thiếu thời.
Tôi may mắn vẫn được làm việc liên quan đến những gì được học. Nhưng hàng trăm, hàng ngàn người khác thì không. Rất nhiều người tại Việt Nam và cả trên thế giới đang làm việc trái ngành. Có những người học kế toán nhưng cuối cùng trở thành nhân viên kinh doanh. Có những người học cảnh sát lại trở thành marketer, có những người học báo chí nhưng giờ lại làm BA,…
👉 Xem thêm: Sự nghiệp là gì? Bí quyết để làm chủ sự nghiệp
#2. Sinh viên giỏi nhất không nhất định là những nhân viên giỏi
Hiện thực và kiến thức trên sách có thể rất khác biệt. Đó là lý do vì sao nhiều bạn sinh viên mới ra trường khi bước chân vào thế giới của những người đi làm cảm thấy bị choáng ngợp.
Không ít người yêu đọc sách và cảm thấy những điều trong sách là chân lý. Những quan điểm trong sách là chất liệu để họ xây dựng nhân sinh quan, giá trị quan, thế giới quan. Và khi những quan điểm ấy bị chối bỏ bởi hiện thực, họ bất chợt “chối bỏ” luôn chính mình.
Từ một sinh viên xuất sắc luôn nổi bật trong lớp, trong trường, họ bỗng chốc trở thành một nhân viên kém cỏi, không thể làm tốt nhiệm vụ được giao.
#3. Nhân viên giỏi không hẳn lương đã cao
Có thể bạn chưa biết, số tiền mà bạn nhận được hàng tháng chưa chắc đã thể hiện được năng lực chuyên môn của bạn. Tôi biết rất nhiều người làm việc tốt, nhưng mức lương được trả lại không bằng những người “kém hơn”.
Lý do vì sao vậy?
Thực tế, bên cạnh khả năng làm việc, lương của một người bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố:
- Mức độ coi trọng của doanh nghiệp: vị trí bạn làm càng được coi trọng, bạn càng có cơ hội nhận được mức lương cao hơn.
- Nhu cầu của doanh nghiệp: các công ty có xu hướng trả mức lương cao hơn cho những vị trí đang tuyển gấp. Lý do là bởi họ không có đủ thời gian để tìm ra những ứng viên phù hợp (giỏi và yêu cầu một mức lương thấp hơn).
- Cách bạn chứng minh năng lực của mình: nhiều người có khả năng chuyên môn tốt nhưng không biết cách thể hiện năng lực trong vòng phỏng vấn. Điều đó khiến họ bị đánh giá thấp hơn, dẫn tới mức lương được trả thấp hơn.
- Khả năng deal lương: một số người khác không hề biết cách deal lương và không hiểu rõ giá trị của bản thân. Họ chấp nhận mức lương mà doanh nghiệp trả, nhưng cuối cùng, khi vào công ty, họ mới nhận ra mình “deal lương hớ”.
👉 Xem thêm: [BẬT MÍ] Cách deal lương khôn ngoan & thông minh nhất
#4. Làm lâu lương không bằng người mới
Nhiều người làm việc ở công ty 2 – 3 năm, nhưng cuối cùng mức lương lại không bằng người mới được tuyển vào. Nghe thì vô lý, nhưng đây là tình trạng rất phổ biến tại Việt Nam.
Chẳng hạn như trường hợp của anh bạn tôi. Anh ta bắt đầu làm ở công ty nọ khi vừa ra trường. Khi đó, anh chưa có bất kỳ kinh nghiệm làm việc thực tế nào. Vì vậy, anh chỉ được trả số tiền 5 triệu/ tháng. Mặc dù năng lực của anh đã được nâng cao, nhưng mức lương không mấy cải thiện. Theo quy định của công ty, hằng năm, nhân sự sẽ được tăng khoảng 10% lương. Như vậy, sau 3 năm làm việc tại công ty đó, anh được tăng lương 2 lần, mỗi lần khoảng 500.000 đồng. Nhưng một nhân sự khác mới được tuyển vào công ty, mức lương lại cao gấp 2 lần mức lương của anh. Cuối cùng, vì sự chênh lệch quá lớn, anh đã tìm một bến đỗ mới. Và hiện tại, số tiền anh nhận được hàng tháng là 15 triệu, chưa tính thưởng KPI và thưởng doanh số.
Không phải công ty nào cũng để xảy ra tình trạng này, nhưng rất nhiều trường hợp là thế. Chính vì vậy, dân văn phòng mới có câu “cách để tăng lương nhanh nhất chính là nhảy việc”.
#5. Một người có thể làm việc của cả phòng
Sự thật phũ phàng này thường tồn tại ở những doanh nghiệp nhỏ – nơi các nhà lãnh đạo muốn giảm thiểu chi phí tới mức tối đa. Tại đây, một nhân viên có thể vừa làm việc của lễ tân, vừa tuyển dụng, đồng thời chấm công và tính lương cho toàn công ty. Tại đây, một nhân viên có thể vừa viết content, vừa thiết kế ảnh, quay dựng video,… Cũng tại đây, một phòng chỉ có một người – vừa là quản lý, vừa là nhân viên.
#6. Làm lâu ắt lên lãnh đạo
Ở những công ty nhỏ, đặc biệt là các công ty start up, bạn không cần phải là người có năng lực nhất để trở thành lãnh đạo. Chỉ cần làm lâu hơn một chút là chiếc ghế leader đã dành sẵn cho bạn. Chẳng phải thế mà có những bạn mới ra trường 2 năm nhưng đã làm leader hơn ngàn ngày đó sao.
Tuy nhiên, leader ở những công ty này thường thuộc dạng “hữu danh vô thực”. Làm nhiều hơn, nhưng lương chẳng hề được tăng. Và năng lực quản lý gần như không có gì. Cuối cùng, họ rất khó để rời khỏi công ty ấy. Vì làm tại nơi khác, họ sẽ bắt đầu lại từ vị trí nhân viên. Đang là quản lý lại xuống nhân viên? Thật khó để chấp nhận.
👉 Xem thêm: [Chia sẻ] Các kỹ năng lãnh đạo cần cho một nhà quản lý giỏi
Còn sự thật phũ phàng nào mà tôi chưa nhắc đến không? Hãy để lại bình luận và cho tôi biết nhé!
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)