Nghỉ việc, tìm kiếm một môi trường làm việc mới phù hợp, phát triển hơn là điều mà hầu hết ai cũng sẽ trải qua. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều biết cách để nghỉ việc một cách chuyên nghiệp, văn minh. Rất nhiều trường hợp mắc phải sai lầm gây ám ảnh, hao tổn các mối quan hệ, thậm chí ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này. Vậy những sai lầm khi nghỉ việc đó là gì, cùng JobsGO tìm hiểu nhé.
Mục lục
Tạo ấn tượng xấu cho những đồng nghiệp ở lại
Làm việc ở môi trường nào, bạn cũng sẽ có những người đồng nghiệp từ thân thiết đến xã giao. Và dù bạn không thích, thậm chí là thấy họ rất đáng ghét nhưng cũng không nên tạo ấn tượng xấu trước khi nghỉ việc. Bạn tuyệt đối đừng nghĩ rằng nghỉ rồi thì sẽ không gặp lại nữa. Cuộc sống này có những điều bất ngờ mà ta không thể lường trước được. Biết đâu có một ngày, bạn ứng tuyển việc làm khác và gặp chính đồng nghiệp cũ phỏng vấn thì sao? Bạn có thể bị loại ngay lập tức chỉ vì từng gây hấn, mâu thuẫn với họ.
Đối với đồng nghiệp cũ, họ có thể không quan tâm thời gian cùng nhau làm việc nhưng riêng những ấn tượng xấu thì lại rất khó quên. Bởi vậy, hãy lưu ý về vấn đề này và tránh mắc phải sai lầm đáng tiếc nhé.
👉 Xem thêm: Những điều không nên nói ở nơi làm việc để tránh rắc rối, xung đột
Nói về vấn đề nghỉ việc quá sớm
Hầu hết mọi người đều có thói quen tâm sự với đồng nghiệp về dự định nghỉ việc. Tuy nhiên, việc thông báo với họ quá sớm, ngay cả khi bạn chưa chắc chắn với công việc mới sẽ có thể là một sai lầm.
Bởi thực tế, môi trường công sở rất phức tạp, không may những người đồng nghiệp khác không thích bạn báo cho sếp biết thì sao? Bạn chỉ mới đang có ý định, chưa kịp làm gì, chưa kịp tìm việc mà bị sếp cho nghỉ thì sẽ như thế nào? Chẳng phải bạn vô tình bị rơi vào cảnh thất nghiệp hay sao? Do đó, dù thân thiết đến đâu, bạn cũng nên giữ kín dự định nghỉ việc của mình cho đến khi thật chắc chắn có cơ hội khác tốt hơn nhé.
👉 Xem thêm: Có nên nghỉ việc khi chưa có việc mới? Lựa chọn nào là đúng?
Thiếu trách nhiệm trong công việc trước khi nghỉ
Nhiều người có suy nghĩ “sắp nghỉ việc rồi, không cần thiết phải cống hiến nhiều”. Đây là điều dễ hiểu bởi dù sao họ cũng sẽ sớm rời bỏ công ty, những lợi ích sau này họ sẽ không được hưởng thì tại sao lại phải cố gắng quá nhiều. Thế nhưng, đây lại cũng là một suy nghĩ sai lầm.
Bạn đi hay ở là quyết định cá nhân, bạn không thể vì thế mà phủi bỏ trách nhiệm của mình. Hãy thể hiện mình là một người chuyên nghiệp, văn minh, luôn thực hiện tốt trách nhiệm của bản thân cho đến ngày cuối cùng. Vì như đã đề cập ở trên, bạn sẽ không thể lường trước được việc sau này gặp lại cấp trên, đồng nghiệp cũ ở một nơi khác. Như vậy, chẳng phải bạn đang tự hủy hoại sự nghiệp của mình hay sao?
Nghỉ việc không đúng thời điểm
Thời điểm nghỉ việc cũng là yếu tố mà các bạn nên lưu ý khi nghỉ việc. Trong 1 năm, sẽ có những tháng “vàng” được khuyên nên chuyển công việc như là đầu năm (tháng 3 – 4) hoặc giữa năm (tháng 6 – 7). Các bạn không nên nghỉ không có tính toán, không kế hoạch để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Ngoài ra, các công ty đều sẽ duy trì quyền lợi của người lao động cho đến cuối tháng. Nhiều chuyên gia khuyên các bạn nên nghỉ làm vào đầu tháng thay vì giữa hay cuối tháng. Do đó, các bạn hãy dựa vào quy định của công ty, suy nghĩ, xem xét thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định để tránh mắc phải sai lầm làm mất đi quyền lợi của bản thân nhé.
👉 Xem thêm: Đã đến thời điểm bạn nên nhảy việc?
Không dành cho bản thân thời gian nghỉ ngơi giữa các công việc
Để đưa ra được quyết định nghỉ việc ở một công ty nào đó, chắc hẳn các bạn đã phải suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Cho đến khi nộp lá đơn xin nghỉ, bạn có lẽ đã kiệt sức bởi những đêm mất ngủ, căng thẳng về tinh thần, tiều tụy thể chất. Và nếu bạn vội vàng tìm kiếm, chuyển sang một công ty khác thì sẽ khiến bản thân không có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi lại tâm trạng cũng như sức khỏe. Đây sẽ là một sai lầm khiến bạn dễ rơi vào stress, khủng hoảng nếu chưa tìm được việc làm ngay hoặc công việc mới quá vất vả.
Bởi vậy, một lời khuyên dành cho các bạn đó là hãy nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần trong khoảng 1 tuần. Sau khi đã ổn định lại thì hãy tìm hoặc bắt đầu công việc mới nhé.
Nghỉ việc là một quyết định không dễ dàng và khiến con người dễ mắc phải sai lầm không đáng có nếu suy nghĩ chưa thấu đáo. Hy vọng qua chia sẻ về những sai lầm khi nghỉ việc trên đây sẽ hữu ích và giúp các bạn có cách cư xử đúng đắn trước khi tìm kiếm một môi trường, con đường phát triển sự nghiệp mới nhé.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, hãy để lại bình luận phía dưới, JobsGO sẽ giúp bạn trả lời. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau!
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)