Headhunter là một trong những nghề đang rất hot hiện nay với cơ hội việc làm rộng mở. Tuy nhiên, để có thể thành công, phát triển thì lại không hề đơn giản, nhất là với những ai mới vào nghề. Không ít người bị rơi vào tình trạng “ngộp thở” khi vừa bắt đầu công việc. Vậy làm sao để tình trạng này không diễn ra? Bài viết dưới đây của JobsGO sẽ chia sẻ đến bạn đọc những tips sống còn dành cho người mới vào nghề Headhunter, tham khảo ngay nhé!
Mục lục
Đừng quá vội vã
Bắt đầu một công việc mới, chưa có kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ không thể tránh được sự căng thẳng, mệt mỏi. Bạn đừng vội vàng yêu cầu bản thân phải thành công ngay lập tức hay lo lắng về việc liệu mình có đủ nhanh để tạo ra thành quả chất lượng. Làm việc cũng như học tập, nó đều cần có thời gian, thậm chí là rất nhiều thời gian để rèn luyện thì mới thành thạo. Nếu như bạn không cho phép bản thân được thoải mái, có thời gian tìm hiểu, tiếp thu kiến thức, kỹ năng thì sẽ rất dễ mắc phải sai lầm, thường xuyên rơi vào tình trạng stress. Vậy nên, đừng vội vã, hãy cứ bình tĩnh học hỏi, phát triển, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội để thành công trên con đường sự nghiệp.
👉 Xem thêm: Headhunter là gì? Mức lương khủng của nghề săn đầu người
Nhấc máy gọi điện thoại ngay
Các Headhunter mới thường có tâm lý sợ sệt, ngại gọi điện thoại cho khách hàng hay ứng viên. Đơn giản vì họ sợ mình chưa có kinh nghiệm, nếu lỡ mắc phải sai lầm gì đó thì sẽ gây ảnh hưởng đến công ty.
Tuy nhiên, nếu bạn không thực hiện điều đó, mọi thứ sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Dù đó là cuộc gọi cho khách hàng hay ứng viên đầu tiên, bạn cũng cần nhấc máy và gọi ngay. Bởi khi người quản lý đã tin tưởng và giao cho bạn nhiệm vụ đó, hãy xem đó là một sự đồng tình, chấp thuận để bạn có một cơ hội tốt. Trường hợp bạn bị dồn vào thế bí, chưa biết ứng xử ra sao thì cũng đừng ngần ngại nói rằng “xin lỗi, tôi là người mới, tôi sẽ trao đổi với đồng nghiệp/quản lý của tôi về vấn đề này…”. Trải qua nhiều cuộc gọi như vậy, bạn sẽ càng có thêm kinh nghiệm, kỹ năng để giao tiếp, ứng xử. Đây là điều quan trọng, cần thiết đối với nghề Headhunter.
Đừng ngại đặt câu hỏi
Ngại phải hỏi – đây thực tế là một căn bệnh mà nhiều người mắc phải. Thế nhưng, với một người mới chân ướt chân ráo bước vào nghề, chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thì điều đó lại bất lợi vô cùng. Nếu bạn không hỏi, bạn sẽ không biết làm và cứ cố chấp thì sẽ chỉ dẫn đến sai lầm trong công việc. Và nó sẽ càng tệ hơn nếu việc bạn gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty. Vậy nên, hãy tận dụng tối đa cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân khi là một người mới nhé.
Quản lý các cuộc gọi có hệ thống
Thường các Headhunter sẽ chưa nắm rõ được quy trình quản lý cuộc gọi sao cho có hệ thống. Và đây cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến bạn bị mệt mỏi, căng thẳng và công việc rối tung lên. Bí quyết để giảm thiểu tình trạng này đó là hãy ghi âm lại các cuộc gọi với ứng viên, khách hàng, đồng thời ghi chú ngay vào file quản lý riêng của mình. Điều này sẽ giúp các bạn không phải “vò đầu bứt tai”, sợ bỏ sót thông tin khi làm báo cáo gửi lên quản lý.
👉 Xem thêm: [Chia sẻ] Kinh nghiệm làm headhunter dành cho các “tân binh”
Nhờ sự trợ giúp khi cần thiết
Nếu bạn may mắn được làm cho một công ty Agency tuyển dụng, chắc chắn sẽ có rất nhiều đồng nghiệp cũng như chuyên gia trong lĩnh vực. Những người này đều có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, họ có thể hỗ trợ, giúp đỡ bạn rất nhiều trong công việc. Do đó, khi gặp phải vấn đề gì chưa hiểu, sự cố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đừng ngại ngần mà hãy nhờ sự trợ giúp của họ. Bạn đừng cố gắng để xử lý một mình trong khi bản thân chưa thể định hình được cách giải quyết, không nắm rõ được tình huống mình mắc phải. Nhờ giúp đỡ không có gì đáng mất mặt, thậm chí còn mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích, giúp bạn có được trải nghiệm, bài học quý giá đó.
Hòa hợp với mọi người
Để giảm bớt sự “ngộp thở” trong công việc, bạn nên có những phút giây thư giãn, thoải mái trò chuyện với mọi người trong công ty. Và tìm cách hòa hợp với đồng nghiệp, mọi người xung quanh là điều nên làm.
Thật vậy, hãy thử tưởng tượng, bạn trở thành một phần quan trọng trong nhóm, có bạn bè trong văn phòng, giúp nơi làm việc trở nên sôi động, thân thiện hơn thì sẽ như thế nào nhỉ? Chắc chắn đây sẽ là điều rất tuyệt vời, mang đến cho bạn động lực để cố gắng làm việc hơn. Bên cạnh đó, việc giao lưu với đồng nghiệp thường xuyên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa công ty, củng cố mạng lưới nội bộ, cho phép bản thân “ném đi” những căng thẳng, mệt mỏi sau nhiều giờ làm việc liên tục.
👉 Xem thêm: Bí quyết hòa nhập với công ty mới dành cho sinh viên mới ra trường
Đừng “tham” thời gian nghỉ trưa
Nhiều bạn Headhunter mới vào nghề rất chăm chỉ, cố gắng, mong muốn bản thân phải thật nhanh làm quen, đạt được kết quả tốt trong công việc. Và cứ thế, các bạn dành quá nhiều thời gian để lao đầu vào thực hiện nhiệm vụ, chạy KPI, bỏ qua cả giờ nghỉ trưa.
Thực tế, điều này lại khiến các bạn trở nên stress, áp lực hơn vì thời gian làm việc quá dài. Mỗi ngày bạn đã dành 8 tiếng cho công việc, nếu “tham” thêm cả 1,5 tiếng buổi trưa, tức là gần 10 tiếng/ngày. Đây không phải là con số quá lớn nhưng nếu cứ liên tục như vậy chắc chắn bạn sẽ kiệt sức. Vậy nên, hãy dành cho mình một chút thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, ăn uống, thậm chí là đi dạo, hít thở không khí. Chỉ cần duy trì thói quen này, bạn sẽ thấy có tinh thần, hứng thú hơn khi làm việc đó.
Đừng đặt áp lực phải là một chuyên gia
Trở thành một chuyên gia Headhunter, một người thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn. Song, việc quá đặt nặng vấn đề, tạo áp lực, ép bản thân phải đạt được cũng có thể là con dao hai lưỡi khiến bạn rơi vào bế tắc. Bạn cần biết điểm mạnh của mình ở đâu, các kỹ năng, kinh nghiệm như thế nào, từ đó đặt mục tiêu cố gắng, phấn đấu. Chỉ cần nỗ lực hết sức, bạn đã thành công và chiến thắng chính bản thân mình chứ đừng chỉ vì cái danh “chuyên gia” mà trở nên mệt mỏi nhé.
👉 Xem thêm: Quy trình tuyển dụng của Headhunter như thế nào?
Làm quen với việc bị từ chối
Làm Headhunter thì việc bị khách hàng hay ứng viên từ chối là điều không thể tránh khỏi. Nếu bạn chỉ vì 1 – 2 người từ chối mà nản lòng thì chắc chắn sẽ khó mà thành công được. Càng gặp nhiều trường hợp như vậy, bạn sẽ càng trưởng thành, rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học và kỹ năng xử lý tình huống. Do đó, hãy tập làm quen với việc bị từ chối, dù thế nào cũng vẫn cố gắng, không bỏ cuộc.
Đi làm sớm hoặc về muộn, đừng “ôm” cả hai
Người ta thường nói: “mới vào nghề, còn trẻ tuổi thì nên cống hiến”. Hầu hết những ai mới vào làm công việc gì cũng sẽ chưa quen, cần nhiều thời gian hơn để thực hiện. Bởi vậy mà không ít bạn Headhunter chấp nhận đi sớm về hôm, chăm chỉ cày cuốc để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến các bạn bị ngợp trong công việc. Lời khuyên chân thành là các bạn hãy chọn 1 trong 2, hoặc là đi sớm hơn, hoặc là về muộn hơn, đừng ôm đồm cả 2. Hãy thử tưởng tượng, mỗi ngày bạn đều đi làm từ 7h và về nhà lúc 22h thì thời gian dành cho bản thân, gia đình, bạn bè,… sẽ ở đâu? Bạn có đảm bảo mình đủ sức khỏe để cống hiến suốt đời như vậy hay không? Hãy nghĩ cho mình, công việc quan trọng nhưng tất cả cũng chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, nuôi bản thân, nuôi gia đình. Đừng cố quá mà phải nhận hậu quả nghiêm trọng về sau các bạn nhé!
👉 Xem thêm: Điều gì khiến bạn trở thành người ôm đồm công việc?
Người mới vào nghề Headhunter chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, trắc trở. Song, mọi thứ mới chỉ đang là khởi đầu, các bạn hãy thật bình tĩnh, đặt ra cho bản thân mục tiêu nhất định, từ đó cố gắng thực hiện để đạt được thành công nhé. Chúc các bạn sớm chạm đến đỉnh cao trong sự nghiệp của mình.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)