Học Marketing nhà hàng cùng “Itaewon Class”

Đánh giá post

“Itaewon Class” đang trở thành bộ phim Hàn Quốc hot nhất hiện nay. Không chỉ là câu chuyện khởi nghiệp của ông chủ Park Sae Ro Yi, bộ phim còn mang đến cho chúng ta những bài học marketing nhà hàng thú vị từ thiên tài Instagram Jo Yi Seo.

1. Kinh doanh nhà hàng thời hiện đại: Đầu tiên là không gian

Khởi nghiệp nhà hàng tại trung tâm “ăn chơi” sầm uất Itaewon, sai lầm lớn nhất của Park Sae Ro Yi có lẽ chính là không chăm chút không gian nhà hàng. Trong thời đại truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, không gian nhà hàng đẹp, có phong cách và sở hữu những góc chụp ảnh thần thánh chính là điểm mạnh đầu tiên thu hút khách hàng tiềm năng. Là người thành công từ nền tảng mạng xã hội Instagram, cô nàng Jo Yi Seo vì thế đã dễ dàng nhận ra khuyết điểm này. Hơn nữa, với gu thẩm mỹ đầy cá tính, Yi Seo đã tái thiết kế lại không gian của nhà hàng DanBam. Sự thay đổi này không chỉ tạo nên một diện mạo, sức sống mới cho nhà hàng mà còn thu hút được một lượng lớn khách hàng trẻ trong độ tuổi 25-35. Bài học marketing nhà hàng đầu tiên đúng là xuất phát từ “hình ảnh” và “không gian” đúng không nào?

Quán nhậu Honey Night Itaewon Class

2. Tác phong phục vụ không chuyên nghiệp = Mất khách

Các bậc tiền bối trước đây vẫn dạy chúng ta rằng “Buôn có bạn, bán có phường”, bài học này không sai nhưng cũng nhắc nhở chúng ta phải luôn “hòa nhập” và “cạnh tranh”. Khi các hình thức kinh doanh nhà hàng ngày càng được chuyên nghiệp hóa dịch vụ để lấy lòng khách hàng, nếu bạn không hòa nhập với văn hóa này, bạn sẽ bị đào thải. Vậy nên khi bị Yi Seo nói như “đi guốc trong bụng” thì ông chủ hay nhân viên nhà hàng cũng đều không thể phản kháng được gì. Dù trên thực tế nhân viên của nhà hàng DanBam khá đơn thuần và không quen với văn hóa nhà hàng, nhưng điều đó không thể trở thành cái cơ cho Customer Service Failed (lỗi phục vụ khách hàng). Phong cách phục vụ chuyên nghiệp thực tế rất phức tạp và phụ thuộc vào những tình huống cụ thể. Trong phim, những chi tiết về vấn đề phục vụ không chỉ lột tả qua thái độ mà còn là cách bưng bê bát/đĩa thức ăn, cách ăn mặc của nhân viên, thậm chí là cách đặt món ăn xuống bàn,… 

Bất kỳ nhà hàng nào, khi bắt đầu chuẩn bị kinh doanh cũng cần chú trọng vào điều này. Một dịch vụ tốt là sức hút giữ chân khách hàng một cách lâu dài cũng như tạo được sự lan tỏa từ việc giới thiệu và khen ngợi trên nhiều hình thức (Review, giới thiệu cho người quen,…) Đó cũng chính là lý do vì sao tiêu chí đánh giá dịch vụ luôn nằm trong bảng khảo sát của bất kỳ nhà hàng nào.

3. Thiết kế thực đơn là một nghệ thuật

Một nhà hàng làm Marketing tốt không chỉ là nhà hàng có vỏ ngoài bắt mắt, mà còn là một nhà hàng độc đáo ở mọi chi tiết, kể cả thực đơn. Thực đơn các nhà hàng chuyên nghiệp không bao giờ liệt kê danh sách món ăn một cách thuần túy. Thực đơn đơn điệu, hình ảnh làm “cho có”, sắp xếp một cách “vô tư”, không có thứ tự, logic và điểm nhấn là một thực đơn tất bại. Nhà hàng DanBam của Park Sae Ro Yi chính là đang đối diện với vấn đề này.

Menu trên Insta của quán nhậu DanBam
Một ví dụ điển hình về menu thiết kế không tốt

Sự đơn thuần và cổ hủ trong cách lên thực đơn đã khiến khách hàng mất đi ấn tượng đối với món ăn. Các món ăn của nhà hàng vốn dĩ được sắp xếp ngang nhau, không có món ăn nổi bật, thực đơn mới, món ăn của ngày hay là món sở trường của bếp trưởng. Điều này khiến khách hàng gặp phải 2 vấn đề khó chịu khi xem thực đơn: thứ nhất là không nhìn ra được đâu là điểm nổi bật, khác biệt của nhà hàng, thứ hai là không biết nên chọn món ăn nào thì ngon miệng và món nào đáng mong đợi.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thực đơn cũng cần xem xét yếu tố quy mô nhà hàng, đối tượng khách hàng tại khu vực kinh doanh và tiềm năng của bộ phận bếp. Với một nhà hàng tầm trung và nhỏ lại hoạt động tại một khu phố giao lưu văn hóa mạnh mẽ như Itaewon, số lượng món ăn không nên quá nhiều, dàn trải và thiếu tập trung. Nhà hàng chỉ nên chọn ra những món ăn sở trường của bộ phận bếp, có khả năng tiếp cận sở thích của đối tượng khách hàng và mang “cá tính”, sáng tạo, đặc trưng riêng để tạo điểm nhấn.

4. Đầu bếp là nền tảng của nhà hàng

Không chỉ là người tạo nên hương vị của món ăn, sự chuyên nghiệp của đầu bếp cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà hàng. Khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh nhà hàng chuyên nghiệp, cậu chủ nhỏ Park Sae Ro Yi đã quên mất rằng, đầu bếp của mình chỉ là một “người nấu ăn ngon”. Sự thiếu sót của đầu bếp Huyn Yi thể hiện ở chính phong cách làm việc thiếu quy củ và chuyên nghiệp. Không có món ăn sở trường, không chú trọng các quy định về cách làm việc và vệ sinh khu bếp, cũng như thiếu sự chăm chút trong việc trang trí món ăn. Tất cả đã khiến cô nàng bị khách hàng phê bình ngay khi món ăn đầu tiên được phục vụ. Điều này chắc hẳn khiến “chuyên gia” Marketing Yi Seo không hề hài lòng và chỉnh đốn ngay khi cô nàng trở thành quản lý của nhà hàng.

Đầu bếp vốn là yếu tố mà bất kỳ nhà hàng nào cũng chú trọng. Tuy nhiên, không chỉ là tay nghề, cá tính, điểm nhấn và sự sáng tạo của đầu bếp cũng là yếu tố giúp tạo nên nét đặc biệt cho nhà hàng. Là nền tảng trong kinh doanh nhà hàng, đầu bếp là người tạo ra ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài nhất. Vậy nên, với đầu bếp, sự chuyên nghiệp thể hiện qua tất cả các giác quan, lấy tất cả giác quan để gây ấn tượng với khách hàng.

5. Tuyển dụng nhân sự cũng liên quan đến Marketing

Sau những sự thay đổi từ Yi Seo, nhà hàng DanBam đã hướng đến một hình tượng mới và bước tiến mới. Lúc này, chúng ta lại được chứng kiến thêm một típ Marketing đầy thú vị từ cô nàng quản lý này. Đó chính là tuyển dụng nhân viên có lợi cho PR hình ảnh nhà hàng. Itaewon là một khu phố Tây rất nổi tiếng ở Hàn, lượng khách ở đây một nửa đều là khách ngoại quốc. Bối cảnh này yêu cầu trong nhà hàng cần có những nhân viên biết tiếng Anh và hòa nhập được với văn hóa quốc tế. Đó chính là lý do vì sao cô nàng Yi Seo bỏ qua nhiều ứng viên đẹp trai, xinh gái để chọn anh chàng con lai Kim Toni. Với vốn tiếng Anh-Hàn trôi chảy, cùng ngoại hình đậm cá tính và “quốc tế”, Kim Toni là tố chất giúp nhà hàng tiếp cận mạnh mẽ với những khách Tây tại Itaewon. Bên cạnh đó, yếu tố phục vụ cũng được chăm chút hơn khi nhân viên có thể giao tiếp tốt với khách hàng.

Quá trình tuyển dụng thực tế không phải lúc nào cũng “đúng người, đúng thời điểm” như phim. Tuy nhiên, đây cũng là một tip nhỏ để các quản lý chọn được ứng viên phù hợp nhất, cũng như đào tạo phong cách dịch vụ cho nhân viên nhằm nâng cao hình ảnh và độ tiếp cận của nhà hàng.

DanBam trên Instagram

6. Tận dụng tối đa hiệu quả của truyền thông công nghệ

Truyền thông công nghệ là khía cạnh đang được tất cả các nhà hàng hiện nay khai thác một cách mạnh mẽ. Các quảng cáo kích thích vị giác, các chiến dịch ẩm thực độc, lạ và những clip review của những celeb hay blogger nổi tiếng,…là các phương thức  truyền thông được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Cô nàng quản lý Yi Seo hiển nhiên hiểu được điều này. Hơn nữa, với lợi thế là blogger nổi tiếng trên Instagram, cô nàng cũng rất nhanh nhẹn lôi kéo fan của mình trở thành khách hàng.

Dù vậy, cách thức truyền thông này cũng có những hạn chế cần lưu ý như tầm ảnh hưởng và hình ảnh của người đại diện quảng cáo, hay content quảng cáo không nên có những “hạt sạn” về thông điệp. Vậy nên, khi lựa chọn bất kỳ cách thức truyền thông nào, người làm marketing cũng nên xem xét các yếu tố về đặc điểm của nhà hàng để đưa ra phương án tốt nhất.

Với hình tượng nhân vật có cá tính mạnh mẽ, đại diện cho tình thần và khát vọng của người trẻ hiện đại, “Itaewon class” đang tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ trong những câu chuyện của dân mê phim truyền hình Hàn. Bộ phim đã mang đến hình ảnh thị trường kinh doanh, việc làm tại nhà hàng Hàn Quốc một cách chân thực mà hấp dẫn. Những bài học về khởi nghiệp và marketing nhà hàng cũng được truyền đạt khéo léo qua quá trình trưởng thành của các nhân vật trong phim. JobsGO hy vọng bài viết này đã giúp các bạn có thêm những kiến thức marketing nhà hàng hiệu quả, cũng như biết thêm về một bộ phim đầy ý nghĩa.

Theo: Trang Linh

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: