Đừng để “kinh nghiệm” giết chết bạn!

4.5/5 - (3 votes)

đừng để kinh nghiệm giết chết bạn

Kinh nghiệm là thứ đã được phải trả bằng một giá đắt, thậm chí rất đắt. Nhưng thật trớ trêu thay, chính nó đôi khi lại đang giết chết chúng ta mỗi ngày.

Tôi đã có một khoảng thời gian phỏng vấn và đánh giá rất nhiều ứng viên cho vị trí Kế toán Trưởng. Có rất nhiều người đã trên 20, 25 năm kinh nghiệm làm kế toán. Thậm chí nhiều người đã giữ vị trí Kế toán Trưởng trong nhiều năm. Tuy nhiên, điều tôi thấy băn khoăn hơn cả là họ không hiểu quá nhiều về 02 chữ “kinh nghiệm”. Họ có “kinh nghiệm” theo thời gian nhưng chừng đó là chưa đủ.

Kinh nghiệm hay trải nghiệm được hiểu đơn giản là khoảng thời gian vừa đủ để làm một công việc nào đó, để đạt được một mức độ nào đó về kỹ năng và kiến thức trong một hoàn cảnh, môi trường nào đó. Chưa bàn đến việc phải luyện tập 10,000 giờ (tuần làm việc 8 giờ (40 giờ/tuần) trong vòng 05 năm liên tục) để bạn có kinh nghiệm hoặc các kỹ năng để trở thành một chuyên gia xuất sắc nhất (kiến thức, kỹ năng). Nhưng khi thời gian trải nghiệm chưa đủ trong một điều kiện nào đó, bạn chưa thể có kinh nghiệm và cũng chưa có đủ kỹ năng do thiếu luyện tập và thực hành. Còn kinh nghiệm và kỹ năng ở mức độ nào thì phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố: quy mô, khối lượng công việc, tính chất công việc, quy trình thực hiện công việc, các yếu tố hỗ trợ quá trình thực hiện công việc (phần mềm, công nghệ, tự động hoá)…

Khi bạn có kinh nghiệm làm tròn 12 tháng kế toán, bạn sẽ biết đầy đủ các công việc cần làm trong một năm của một nhân viên kế toán như: quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong quý I hàng năm, hay mùa báo cáo tài chính, kiểm toán, kiểm kê tài sản, báo cáo tài chính, báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế… Một số công ty niêm yết, đại hội đồng cổ đông, họ cần phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập để công bố thông tin…Hay việc phải làm việc với các cơ quan thuế, thanh tra… Khi bạn làm càng nhiều, càng lâu, bạn càng có nhiều thông tin để xử lý công việc và ra các quyết định nhanh chóng hơn. Ngoài ra, bạn có thể làm việc độc lập, không cần người hướng dẫn và giám sát. Đó chính là giá trị của những người đã có kinh nghiệm.

Trong các yêu cầu cầu cho vị trí tuyển dụng, tôi thường yêu cầu kinh nghiệm ở vị trí tương đương. Điều này có nghĩa là kinh nghiệm của ứng viên phải tương đương ở quy mô công ty, ngành nghề, tính chất công việc, phạm vi công việc… chứ không phải kinh nghiệm chỉ là số năm đi làm. Tôi cũng thường đánh giá ứng viên theo một số tiêu chuẩn nhất định. Bao gồm: Năng lực, Kinh nghiệm, phẩm chất cá nhân (để đánh giá tiềm năng) và mức độ phù hợp về văn hóa của ứng viên đối với tổ chức.

Năng lực để đánh giá bao gồm: Kiến thức, Kỹ năng và Thái độ. Kiến thức có thể thực hiện bằng các câu hỏi để kiểm tra khả năng ghi nhớ, tư duy, nhận thức và khả năng thu thập, xử lý, phân tích và xử lý thông tin trước khi đưa ra quyết định. Trong khi đó, kỹ năng là những điều ứng viên có được do kinh nghiệm, do trải nghiệm, do luyện tập. Thời gian trải nghiệm càng nhiều, càng lâu, ứng viên có thể có kỹ năng làm việc, thao tác hoặc xử lý nhanh hơn.

Trong khi đó, thái độ của ứng viên được nhìn nhận được ở nhiều phương diện khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, thái độ của ứng viên chính là năng lượng, là cảm xúc tích cực. Điều này thấy rõ qua lần đầu tiếp xúc. Nó thể hiện qua khuôn mặt, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói, hành vi và kể cả những lời nói khi nhận xét về một vấn đề nào đó. Và tôi luôn tin, ai đi làm cũng mong được làm việc với những người có năng lực tốt, phù hợp và nguồn năng lượng (cảm xúc) tích cực.

Tôi từng phỏng vấn và đánh giá rất nhiều ứng viên với cùng vị trí (chức danh) và thậm chí là cùng một số bản Mô tả công việc (MTCV) giống như nhau. Thế nhưng, kỹ năng và trải nghiệm của các bạn là hoàn toàn khác nhau.

Cùng là một nhân viên Tuyển dụng nhưng cần xem xét về phạm vi công việc và trách nhiệm của bạn tới đâu, có theo dõi quá trình thử việc hay không; số lượng các vị trí cần tuyển, vị trí này đã từng tuyển trước đây hay chưa, ngành nghề đó là gì, có khó tuyển không, vị trí tuyển dụng là khối sản xuất hay văn phòng, phần mềm hỗ trợ, các kênh và nguồn tuyển dụng, ngân sách tuyển dụng… Ai cũng chỉ có 8 giờ mỗi ngày để làm việc. Khi bạn làm với khối lượng nhiều, thường xuyên và liên tục thì kỹ năng của bạn mới có nhiều thay đổi và nâng lên. Bạn cũng cần xử lý các công việc nhanh hơn, học hỏi nhiều hơn, chịu áp lực tốt hơn và luôn tìm cách để tối ưu hoá hiệu quả đánh giá, tự động hoá quy trình…

Như tôi trước đây, tôi dành khoảng gần 30 phút để đọc kỹ các CV và các công ty có ghi trên đó để biết ngành nghề, quy mô, địa điểm… của họ. Nhưng sau này, khi đã quen, tôi chỉ mất khoảng 10 phút để xem qua CV của ứng viên dù họ đã có kinh nghiệm hay ở vị trí quản lý. Như vậy, thời gian lọc CV của tôi đã tăng lên gấp 3 lần. Và do vậy, trong 1 ngày, tôi xử lý được nhiều hồ sơ hơn và có thêm thời gian để làm việc khác có liên quan.

Khi bạn có nhiều kinh nghiệm, nhưng công việc cứ lặp đi lặp lại hàng ngày. Bạn không có nhiều trải nghiệm ở các mảng công việc khác có liên quan cũng như không có sự chuẩn bị cho sự thay đổi hay phát triển bản thân thì bạn rất dễ rơi vào bẫy của sự “an nhàn”. Qua trình xử lý công việc, cách thức giải quyết vấn đề và con người ở mỗi tổ chức khác nhau là khác nhau. Cho nên, dù bạn là ngôi sao ở tổ chức ngày nhưng bạn cũng chỉ là thuộc dạng tiềm năng chứ không thể chắc chắn 100% bạn có đủ năng lực để trở thành nhân tài theo lý thuyết 3C. Và nếu như không khéo, bạn đã chính thức bị thị trường lao động đào thải. Bạn đã thất nghiệp ngay cả khi đang chưa đi tìm việc và đang còn làm việc.

Đây không phải là các trường hợp hiếm gặp vì rất nhiều người đi ứng tuyển, phỏng vấn đều không được chọn. Họ bất ngờ vì môi trường bên ngoài đã thay đổi quá nhanh. Họ chưa kịp chuẩn bị và chưa chuẩn bị đủ để có thể thay đổi. Càng lớn tuổi, cơ hội ngày càng ít đi và khả năng cạnh tranh, thu hút của họ cũng không còn nhiều.

Nhà tuyển dụng luôn muốn tìm người phù hợp nhất (giá, tiềm năng, văn hoá, khả năng gắn bó…) chứ không chỉ đơn thuần là một người làm những việc có sẵn hay lặp đi lặp lại quá dài. Lặp lại chỉ vừa đủ để được học thêm nhiều cái mới, nhiều trải nghiệm có liên quan mới thật sự cần thiết. Họ sẽ cần một bạn trẻ hơn, đòi hỏi ít hơn, học hỏi nhanh hơn, có nhiều thời gian để làm việc hơn, sức khoẻ tốt hơn, linh hoạt hơn… cũng như có nhiều tiềm năng phát triển hơn trong tương lai…

Từ đó cho thấy rằng, cần phải hiểu thật đúng, thật chính xác “kinh nghiệm” trong công việc và phát triển bản thân. Kinh nghiệm phải được đặt đúng chỗ, đúng lúc mới… mới thật sự phát huy tác dụng. Đôi khi, dù có kinh nghiệm nhưng kinh nghiệm xử lý bị sai sẽ dẫn đến hậu quả lớn hơn, nguy hại hơn cho doanh nghiệp. Tôi cũng không bao giờ chọn các ứng viên có quan điểm phải trốn thuế, trốn bảo hiểm… theo lối mòn trước đây dù họ có kinh nghiệm.

Cho nên, khi kinh nghiệm chưa đủ kể cả kinh nghiệm để biết kinh nghiệm mình tới đâu thì bạn hãy luôn cẩn thận. Học tập và rèn luyện là cách tốt nhất để bạn phát triển bền vững nhất. Nhiều khi, kinh nghiệm là thứ đã được phải trả bằng một giá đắt, thậm chí rất đắt. Nhưng tuyệt nhiên, đừng để nó làm chúng ta tự mãn, tự cao để rồi chính nó lại đang giết chết chúng ta mỗi ngày vì những hạn chế trong chính lối mòn tư duy của kinh nghiệm

Tác giả: Bùi Đoàn Chung

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: