Môi giới là gì? Người môi giới là ai? Các nghề môi giới phổ biến

4.5/5 - (1 vote)

Môi giới đóng vai trò trung gian quan trọng trong các giao dịch thương mại, kết nối giữa các bên và đưa ra lời khuyên hợp lý. Vậy môi giới là gì? Người môi giới là ai? Những quy định về nghề này như thế nào? Tìm hiểu với JobsGO qua bài viết này bạn nhé.

1. Tìm hiểu chung về môi giới

1.1 Môi giới là gì?

Môi giới là quá trình/hoạt động của một người/tổ chức trung gian giữa hai hay nhiều bên để tạo ra thỏa thuận, giao dịch kinh tế. Môi giới thường xảy ra trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, hàng hóa, dịch vụ,…

Một số ví dụ về môi giới như: môi giới bất động sản (đưa người mua và người bán cùng nhau để thực hiện giao dịch bất động sản), môi giới chứng khoán (môi giới viên mua bán chứng khoán cho khách hàng) hoặc môi giới tài chính (điều phối vay vốn giữa người vay và ngân hàng).

Vai trò của một môi giới là giúp các bên đạt được mục tiêu của họ bằng cách tìm kiếm và đề xuất các giao dịch có lợi cho cả hai. Môi giới thường nhận được một khoản phí hoặc hoa hồng sau khi kết thúc giao dịch thành công.

1.2 Người môi giới là ai?

môi giới là gì
Người môi giới là ai?

Người môi giới được gọi là môi giới viên, có nhiệm vụ hỗ trợ các bên trong quá trình đàm phán, tìm kiếm thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thương thảo.

Vai trò của người môi giới là đảm bảo quá trình giao dịch diễn ra trơn tru và đáng tin cậy cho tất cả các bên liên quan. Họ phải có kiến thức, kỹ năng và mạng lưới liên kết để cung cấp thông tin, giải pháp phù hợp cho khách hàng của mình.

1.3 Nghề môi giới là gì? Nghề này có khó khăn không?

Trước đây, môi giới chỉ là hoạt động nhỏ, thường do cá nhân thực hiện để kết nối các bên liên quan. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của các lĩnh vực như bất động sản, bảo hiểm và hàng hóa, môi giới trở thành một nghề được coi trọng.

Người môi giới tìm kiếm và kết nối khách hàng để tạo ra lợi nhuận cho mình. Nghề môi giới được quy định bởi pháp luật trong một số lĩnh vực. Ví dụ điều kiện để kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản bao gồm việc thành lập doanh nghiệp, có chứng chỉ hành nghề môi giới và tuân thủ quy định về thuế. Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được tham gia cùng lúc làm môi giới và là bên trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.

Nghề môi giới có thể mang đến những khó khăn. Đó có thể là khó khăn trong vấn đề làm việc với các đối tác khó tính, xây dựng mạng lưới khách hàng, cạnh tranh trong ngành và đòi hỏi kiến thức sâu về thị trường. Tuy nhiên, nếu có sự kiên nhẫn, nhiều kỹ năng, nỗ lực, người làm nghề môi giới có thể vượt qua những thách thức và đạt được thành công trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng cũng như bản thân.

2. Các nghề môi giới phổ biến hiện nay

Khái niệm về người môi giới
Các nghề môi giới phổ biến hiện nay

Hiện nay, có rất nhiều nghề môi giới khác nhau. Dưới đây là thông tin về một số nghề phổ biến:

2.1 Môi giới tài sản

Nghề môi giới tài sản bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như môi giới nhà, đất, phòng trọ và bất động sản nói chung. Người môi giới đóng vai trò trung gian giúp việc mua/bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản diễn ra một cách thuận lợi, suôn sẻ và nhanh chóng.

2.2 Môi giới dịch vụ

Môi giới dịch vụ gồm các lĩnh vực như sau:

Môi giới bảo hiểm

Môi giới bảo hiểm là hoạt động trung gian giữa khách hàng và các công ty bảo hiểm. Người môi giới bảo hiểm đóng vai trò tư vấn,giúp khách hàng tìm kiếm, chọn lựa và mua các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu. Họ cung cấp thông tin, giải thích điều khoản, điều kiện và đưa ra các lời khuyên chính xác để khách hàng có thể đưa ra quyết định thông minh về việc bảo vệ tài sản cũng như rủi ro cá nhân, doanh nghiệp của mình.

Môi giới chứng khoán

Môi giới chứng khoán là hoạt động trung gian giữa nhà đầu tư và các công ty chứng khoán. Người môi giới chứng khoán đóng vai trò đại diện cho khách hàng trong quá trình mua bán chứng khoán trên thị trường. Họ cung cấp thông tin, tư vấn về các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và các sản phẩm đầu tư khác, giúp khách hàng đưa ra quyết định giao dịch thông minh và tối ưu hóa lợi nhuận.

Ngoài ra, họ cũng thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán cho khách hàng, theo dõi sự phát triển của thị trường chứng khoán để đưa ra các phân tích và dự báo cho khách hàng.

Xem thêm: Các vị trí việc làm trong công ty chứng khoán “hot” nhất 2023

Môi giới hải quan

Môi giới hải quan bao gồm các tổ chức và cá nhân chuyên cung cấp dịch vụ liên quan đến quá trình thông quan hàng hóa qua hải quan và các cơ quan hành chính liên quan. Các dịch vụ môi giới hải quan là xử lý hợp đồng hải quan, hỗ trợ trong việc phân loại và vận chuyển hàng hóa. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khách hàng thực hiện các thủ tục hải quan một cách thuận lợi, đảm bảo tuân thủ các quy định và luật pháp liên quan đến nhập xuất hàng hóa.

Môi giới việc làm

Môi giới việc làm là hoạt động trung gian giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng. Người môi giới việc làm đóng vai trò kết nối và tư vấn cho cả hai bên. Họ thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và yêu cầu công việc của ứng viên, sau đó đưa ra đề xuất, giới thiệu ứng viên phù hợp cho nhà tuyển dụng.

Đồng thời, họ cung cấp tư vấn về sự phù hợp với công việc, chuẩn bị cho phỏng vấn và đàm phán điều kiện làm việc. Môi giới việc làm giúp tăng tính hiệu quả trong quá trình tìm kiếm việc làm và tuyển dụng, giảm thiểu thời gian, công sức mà cả hai bên phải bỏ ra.

3. Tìm hiểu về môi giới thương mại

Người môi giới
Tìm hiểu về môi giới thương mại

Môi giới thương mại là hoạt động trung gian giữa các bên tham gia trong quá trình giao dịch thương mại. Người môi giới thương mại đóng vai trò kết nối giữa người bán và người mua, nhằm tạo ra sự thuận lợi và hiệu quả trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc sản phẩm. Vậy đặc điểm, quy định, quyền và nghĩa vụ của các bên trong môi giới thương mại là gì?

3.1 Đặc điểm của môi giới thương mại

Môi giới thương mại có những đặc điểm nhận biết như sau:

  • Chủ thể: Quan hệ môi giới thương mại bao gồm bên môi giới và bên được môi giới. Bên môi giới là một thương nhân đã đăng ký kinh doanh để thực hiện dịch vụ môi giới thương mại. Quan hệ môi giới thương mại chỉ phát sinh khi hai bên ký hợp đồng môi giới.
  • Nội dung hoạt động: Môi giới thương mại bao gồm các hoạt động như tìm kiếm và cung cấp thông tin liên quan đến đối tác cho bên được môi giới. Họ thu xếp các cuộc gặp gỡ giữa các bên và hỗ trợ về văn bản hợp đồng khi được yêu cầu.
  • Mục tiêu: Môi giới thương mại hướng đến tạo ra sự kết nối và tăng cường quan hệ kinh doanh giữa các bên. Nhiệm vụ của họ là giúp giảm thiểu rủi ro, tạo ra lợi ích, giá trị cho cả bên mua và bên bán.
  • Tính chuyên nghiệp: Môi giới thương mại cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực mà họ đang hoạt động. Họ cần có khả năng tư vấn, đàm phán, xử lý các giao dịch một cách chuyên nghiệp và công bằng.

3.2 Quy định về môi giới thương mại

Hợp đồng môi giới thương mại là một phần quan trọng của quan hệ môi giới thương mại và được quy định bởi Luật Thương mại năm 2005 như sau:

  • Theo quy định tại Điều 74 của Luật Thương mại, hợp đồng môi giới thương mại và dịch vụ có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc thông qua các hành vi cụ thể.
  • Khi ký kết hợp đồng môi giới thương mại, các bên tham gia nên thống nhất về các nội dung cụ thể của hoạt động môi giới, bao gồm mức thù lao mà bên môi giới sẽ nhận, thời hạn thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của từng bên, cũng như trách nhiệm pháp lý nếu có vi phạm hợp đồng. Hơn nữa, hợp đồng cũng cần quy định rõ hình thức giải quyết tranh chấp trong trường hợp phát sinh.
  • Việc xác định và thỏa thuận các điều khoản quan trọng trong hợp đồng môi giới thương mại giúp đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và công bằng trong quan hệ môi giới giữa các bên.

3.3 Quyền và nghĩa vụ của các bên trong môi giới thương mại

các nghề môi giới phổ biến hiện nay
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong môi giới thương mại

Với bên môi giới

Bên môi giới thương mại có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Nhận thù lao môi giới và các chi phí phát sinh hợp lý liên quan đến hoạt động môi giới, bất kể kết quả của việc môi giới.
  • Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải trả lại cho bên được môi giới sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
  • Bảo mật và không tiết lộ thông tin gây hại đến lợi ích của bên được môi giới.
  • Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, tuy nhiên, không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ.
  • Không tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới trừ khi có sự ủy quyền từ bên được môi giới.

Với bên được môi giới

Bên được môi giới thương mại có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Có quyền yêu cầu bên môi giới thực hiện công việc môi giới đúng và đủ theo thỏa thuận.
  • Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện liên quan đến hàng hoá, dịch vụ cho bên môi giới.
  • Trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới.

Với sự hiểu biết, kỹ năng chuyên môn, môi giới đem lại giá trị cho khách hàng bằng việc cung cấp thông tin chính xác, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo sự thành công trong các giao dịch thương mại. Hy vọng rằng qua bài chia sẻ trên, bạn đọc đã biết rõ “môi giới là gì?”, “nghề môi giới là gì?” và các thông tin liên quan nhé.

Để tìm việc làm môi giới (việc làm broker), các bạn có thể tham khảo tại JobsGO nhé!

TÌM VIỆC LÀM BROKER

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: