5S là gì? Quy trình 5S thực hiện như thế nào?

4.5/5 - (138 votes)

Môi trường làm việc là yếu tố định hình cách làm việc, tâm trạng và cả hiệu suất công việc. Để cải tiến môi trường làm việc, phương pháp 5S đã ra đời. 5S được áp dụng thành công đầu tiên ở Nhật Bản. Phương pháp này tạo ra môi trường tiện lợi, sạch sẽ, gọn gàng, khoa học cho doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu 5S là gì và các bước thực hiện 5S với JobsGO ngay nhé!

1. 5S là gì? Nguồn gốc của quy trình 5S

1.1 5S là gì?

5S là tên gọi của một phương pháp để quản lý, sắp xếp môi trường làm việc. 5S được viết tắt từ 5 từ của tiếng Nhật đó là: Seiri (整理 Sàng lọc), Seiton (整頓 Sắp xếp), Seiso (清掃 Sạch sẽ), Seiketsu (清潔 Săn sóc) và Shitsuke (躾 Sẵn sàng).

  • Sàng lọc – Sort: xem xét, phân loại, chọn và loại bỏ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc. Đây là bước đầu tiên trong phương pháp 5S.
  • Sắp xếp – Set in order: tổ chức, sắp xếp lại các vật dụng theo tiêu chí dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ trả lại. Mọi thứ cần được đặt đúng chỗ để tiện lợi khi cần sử dụng.
  • Sạch sẽ – Shine: thường xuyên vệ sinh, lau chùi, dọn dẹp mọi thứ gây bẩn tại nơi làm việc. Điều này giúp tạo ra một môi trường sạch sẽ, giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra nó còn nâng cao tính chính xác cho máy móc tránh khỏi bụi bẩn.
  • Săn sóc – Standardize: tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn 3S ở trên và thực hiện chúng một cách liên tục. Nó tạo tiền đề cho việc phát triển thành 5S.
  • Sẵn sàng – Sustain: rèn luyện, tạo ra thói quen tự giác, duy trì nề nếp, tác phong. 5S còn cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc để luôn sẵn sàng sản xuất.

Từ các văn phòng, công trường đến các nhà xưởng, nơi nào có hoạt động thì cũng cần sắp xếp, phân loại. Phương pháp 5S giúp ngăn chặn sự xuống cấp của các văn phòng, nhà xưởng. Nó tạo sự thông thoáng, tiện lợi và tránh lãng phí cho doanh nghiệp. Môi trường làm việc khoa học sẽ cải thiện tâm lý, điều kiện và tăng hiệu suất lao động.

5s là gì
5S là gì? Nguồn gốc của quy trình 5S

1.2 Nguồn gốc của quy trình 5S

5S là một phương pháp quản lý và tổ chức công việc xuất phát từ Nhật Bản, được phát triển vào khoảng đầu và giữa thế kỷ XX. Phương pháp này nhận được hưởng ứng, đón nhận tích cực từ nhiều công ty trong nước. Toyota – một hãng xe nổi tiếng trên toàn cầu là đơn vị đầu tiên xây dựng và áp dụng 5S vào quy trình sản xuất.

Trong giai đoạn đó, Toyota đã nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu lãng phí không hiệu quả trong dây chuyền sản xuất. Họ đã phát triển một hệ thống sản xuất độc quyền được gọi là “Hệ thống sản xuất của Toyota”. Hệ thống này kết hợp nhiều phương pháp quản lý khác nhau như sản xuất đúng lúc (JIT), Jidoka và các khái niệm liên quan đến môi trường làm việc trực quan, trong đó 5S là một phần quan trọng.

Việc duy trì một môi trường làm việc gọn gàng, có trật tự sẽ đóng góp đáng kể cho quy trình sản xuất và kinh doanh. Ngược lại, một môi trường làm việc lộn xộn với các thiết bị và tài liệu không đúng vị trí có thể gây khó chịu, lãng phí thời gian, đôi khi gây nguy hiểm cho an toàn. Vì nhận thức được tầm quan trọng của môi trường làm việc, 5S đã trở thành một phần không thể thiếu trong “Hệ thống sản xuất của Toyota”. Phương pháp này đã được áp dụng thành công và lan rộng trên toàn thế giới cho đến ngày nay.

1.3 Mối quan hệ giữa Kaizen và 5S là gì?

5S và Kaizen là hai khái niệm thường được đặt cạnh nhau, tạo thành 5S Kaizen. 5S là một phương pháp quản lý và tổ chức công việc, trong khi Kaizen là triết lý của sự cải tiến liên tục.

5S tập trung vào việc duy trì một môi trường làm việc gọn gàng, sạch sẽ và khoa học. Nó giúp loại bỏ lộn xộn và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động làm việc. 5S tạo tiền đề và môi trường để thực hiện Kaizen, nó cũng là một phần của Kaizen bằng cách thúc đẩy sự cải tiến trong ý thức và môi trường làm việc chung.

Kaizen tập trung vào việc liên tục cải tiến và tối ưu hóa quy trình làm việc. Nó khuyến khích tích lũy những cải tiến nhỏ để tạo nên sự thay đổi lớn, giải quyết vấn đề ngay khi nó phát sinh. Kaizen tìm kiếm sự cải tiến liên tục trong mọi hoạt động và chuẩn hóa chúng để đạt được hiệu quả tối đa.

Sự kết hợp 5S Kaizen đảm bảo sự tương tác và hỗ trợ tích cực cho nhau. Bằng cách hiểu và áp dụng cả 5S, Kaizen, doanh nghiệp có thể triển khai song song hai khái niệm này để đạt hiệu quả tối ưu.

2. Mục đích của việc áp dụng quy trình 5S

Cách thực hiện quy trình 5S trong doanh nghiệp
Mục đích của việc áp dụng quy trình 5S

Phương pháp 5S áp dụng được với mọi loại hình tổ chức, quy mô, lĩnh vực của doanh nghiệp. Dù là ai thì cũng ưa thích sạch sẽ, tiện lợi và ngăn nắp tại nơi làm việc. Đó là lý do phương pháp 5S trở lên phổ biến.

Không chỉ vậy, mục đích các doanh nghiệp áp dụng quy trình 5S còn bởi nó mang lại những lợi ích to lớn như sau:

  • Tăng năng suất và hiệu quả làm việc: 5S giúp tạo ra một môi trường làm việc gọn gàng, có trật tự và sạch sẽ. Điều này giúp cải thiện sự tập trung và tăng năng suất công việc. Nhân viên có thể tìm kiếm, truy cập dễ dàng vào các công cụ, thiết bị, tài liệu cần thiết, giảm thời gian lãng phí và tăng hiệu quả làm việc.
  • Giảm lãng phí và thất thoát: 5S giúp loại bỏ các hoạt động và yếu tố không cần thiết, giảm lãng phí thời gian, năng lượng và tài nguyên. Quá trình sản xuất và vận hành được tối ưu hóa, giảm thiểu sự mất mát, lãng phí nguyên liệu, giúp tăng khả năng cạnh tranh, cải thiện lợi nhuận.
  • Tăng sự an toàn và tránh tai nạn: 5S thúc đẩy việc duy trì môi trường làm việc an toàn. Việc sắp xếp công cụ, thiết bị và vật liệu đúng cách giảm nguy cơ tai nạn và chấn thương. Đồng thời, việc giữ gìn vệ sinh và sạch sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, đảm bảo một môi trường làm việc lành mạnh cho nhân viên.
  • Cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ: Việc duy trì một môi trường làm việc sạch sẽ và gọn gàng giúp giảm khả năng xảy ra sai sót và lỗi trong quá trình sản xuất. Sự tổ chức và trật tự tạo ra một quy trình làm việc liền mạch, chuẩn mực, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
  • Tăng sự tổ chức và quản lý hiệu quả: 5S đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các quy trình và quy định công việc. Nó tạo ra một cấu trúc tổ chức rõ ràng, giúp cải thiện quản lý hoạt động hiệu quả.
  • Tăng sự hài lòng của khách hàng: 5S giúp cải thiện sự tổ chức và quản lý, từ đó đảm bảo tính đồng nhất và chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ. Sự tăng cường chất lượng và sự nhất quán trong cách làm việc giữa các bộ phận khác nhau của doanh nghiệp giúp tạo sự tin tưởng, hài lòng cho khách hàng. Điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng doanh số, sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
  • Tạo môi trường làm việc tích cực: 5S đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường làm việc tốt đẹp, nơi mà nhân viên được khuyến khích tham gia và đóng góp ý kiến. Việc sắp xếp, làm sạch và duy trì môi trường làm việc thoải mái và chuyên nghiệp giúp tạo nên một tinh thần làm việc tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và động lực của nhân viên.
  • Xây dựng tinh thần tổ đội và cải thiện giao tiếp: Việc thực hiện 5S yêu cầu sự hợp tác và sự tương tác giữa các thành viên trong tổ chức. Quá trình này tạo ra một tinh thần tổ đội, khuyến khích sự giao tiếp, trao đổi thông tin hiệu quả giữa các bộ phận và cá nhân. Điều này có thể tăng cường sự hiểu biết, sự hợp tác trong công việc, giúp nâng cao hiệu quả và đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp.
  • Tạo lòng tin và uy tín: Áp dụng 5S cho thấy sự cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng, sự tổ chức và sự chuyên nghiệp. Việc duy trì một môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng là một biểu hiện của sự quan tâm đến chi tiết và chất lượng. Điều này giúp xây dựng lòng tin, uy tín từ phía khách hàng, đối tác và các bên liên quan.

3. Các công cụ hỗ trợ quản lý quy trình 5S

Quy trình 5S là gì
Các công cụ hỗ trợ quản lý quy trình 5S

Có một số công cụ hỗ trợ quản lý quy trình 5S để giúp doanh nghiệp triển khai và duy trì hiệu quả 5S. Dưới đây là một số công cụ phổ biến:

  • Bảng điểm 5S (5S Scorecard): Đây là một bảng điểm hoặc biểu đồ được sử dụng để đánh giá, theo dõi tiến trình thực hiện 5S trong tổ chức. Bảng điểm này giúp đo lường, ghi nhận điểm số cho mỗi nguyên tắc 5S (seiri, seiton, seiso, seiketsu, shitsuke) và xác định các vấn đề cần được cải thiện.
  • Bản đồ vị trí (Layout Map): Đây là một công cụ dùng để vẽ, xác định vị trí cụ thể của các công cụ, thiết bị và vật phẩm trong không gian làm việc. Bản đồ vị trí giúp nhân viên dễ dàng tìm kiếm và đặt đúng chỗ các mục cần thiết, giúp tăng tính hiệu quả, tiết kiệm thời gian.
  • Kỷ luật làm việc (Standard Operating Procedures – SOPs): Đây là các quy trình và quy định chi tiết về cách thực hiện các hoạt động, công việc trong tổ chức. SOPs giúp đảm bảo sự nhất quán, tuân thủ quy trình 5S, từ việc sắp xếp, làm sạch đến duy trì và cải thiện.
  • Hộp công cụ (Toolbox): Đây là một hộp hoặc tủ chứa các công cụ và thiết bị cần thiết cho quá trình 5S. Hộp công cụ giúp tổ chức, bảo quản các dụng cụ sắp xếp, làm sạch, đồng thời giúp nhân viên dễ dàng truy cập và sử dụng chúng khi cần thiết.
  • Biểu đồ luồng công việc (Workflow Diagram): Đây là một biểu đồ được sử dụng để mô tả và hình dung quy trình làm việc từ khi nhận được một công việc cho đến khi hoàn thành. Biểu đồ luồng công việc giúp xác định các bước, vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong quá trình 5S, từ đó tăng tính hiệu quả và sự tổ chức.
  • Thẻ nhận diện (Identification Tags): Đây là các thẻ được sử dụng để nhận diện và đánh dấu các mục cần thiết trong quá trình 5S. Các thẻ này thường được gắn vào các công cụ, thiết bị hoặc vật phẩm để chỉ rõ vị trí của chúng, giúp nhân viên dễ dàng nhận biết và đặt đúng chỗ sau khi sử dụng.
  • Hộp xanh – hộp đỏ (Red Tag – Green Tag): Đây là một công cụ quan trọng trong giai đoạn Seiri (loại bỏ) của 5S. Hộp xanh được sử dụng để chứa các mục không cần thiết, không sử dụng hoặc hỏng hóc. Các mục trong hộp xanh sau đó sẽ được xem xét và xử lý theo các quy trình quản lý tài sản của doanh nghiệp. Trong khi đó, hộp đỏ được sử dụng để chứa các mục cần được xử lý, sửa chữa hoặc tái sử dụng.
  • Bảng thông báo (Visual Display Boards): Đây là các bảng hiển thị thông tin trực quan và dễ nhìn được đặt ở các vị trí quan trọng trong không gian làm việc. Bảng thông báo được sử dụng để cung cấp hướng dẫn, hình ảnh minh họa, quy định và thông tin quan trọng liên quan đến các nguyên tắc 5S. Điều này giúp nhân viên hiểu rõ hơn và tuân thủ các quy trình 5S.
  • Phiếu kiểm tra và kiểm tra (Checklists and Audits): Đây là các công cụ sử dụng để kiểm tra và đánh giá việc thực hiện 5S trong tổ chức. Phiếu kiểm tra và kiểm tra giúp đảm bảo rằng các tiêu chuẩn 5S được tuân thủ, giúp phát hiện, sửa chữa các vấn đề nhanh chóng. Các bước kiểm tra và kiểm tra được thực hiện theo định kỳ để duy trì hiệu quả của 5S trong thời gian dài.

4. Quy trình 5S gồm những gì?

Mô hình 5S
Quy trình 5S gồm những gì?

Quy trình 5S bao gồm:

4.1 Sàng lọc

Nguyên tắc đơn giản của sàng lọc là: “Đừng giữ những gì mà tổ chức không cần đến”. Các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1:
  • Quan sát thật kỹ nơi làm việc của mình cùng với đồng nghiệp.
  • Phát hiện, xác định những thứ không cần thiết cho công việc mình.
  • Tiếp tục thông báo xem có ai cần dùng vật đó hay không.
  • Hủy bỏ ngay những thứ không cần thiết đó.
  • Bước 2: Nếu chưa thể quyết định xem liệu vật đó còn có ích cho công việc hay không thì đánh dấu kèm ngày tháng sẽ hủy, sau đó để riêng ra một chỗ.
  • Bước 3: Sau một khoảng thời gian, kiểm tra xem ai cần đến nó không, nếu không hãy hủy bỏ vật đó.

Tổ chức cần thường xuyên phân loại, sàng lọc các vật dụng theo mức độ thường xuyên sử dụng. Sàng lọc giúp xác định được mức độ hư hỏng, bụi bẩn để tạo ra môi trường làm việc an toàn, khoa học.

4.2 Sắp xếp

Sau bước sàng lọc, bạn hãy sắp xếp giúp cho mọi thứ được xếp vào đúng chỗ của nó. Nguyên tắc của sắp xếp là dựa vào tần suất sử dụng của vật dụng.

  • Bước 1: Tất cả mọi thứ cần sắp xếp đều là những vật dụng cần thiết. Bởi vì những vật cần loại bỏ đã được thực hiện tại bước 1 – sàng lọc. Bạn cần suy nghĩ để cái gì, ở đâu cho đẹp mất, thuận tiện và an toàn.
  • Bước 2: Trao đổi về cách sắp xếp, bố trí với các đồng nghiệp, từ đó phác thảo rồi tìm ra cách sắp xếp thuận lợi nhất để quản lý và làm việc. Những vật càng hay dùng thì càng cần để gần người sử dụng, những vật ít dùng thì để xa hơn. Những đồ nặng để dưới và nhẹ để trên.
  • Bước 3: Lập ra danh mục các vật dụng và sơ đồ nơi lưu giữ. Bạn cần ghi chú vị trí cụ thể đến từng ngăn kéo, ngăn tủ để dễ dàng trong việc tìm kiếm.
  • Bước 4: Nên có sơ đồ riêng về bình cứu hỏa, dụng cụ cấp cứu, van an toàn để có thể sử dụng ngay nếu xảy ra sự cố.

Để tránh lộn xộn và khó phân biệt, bạn hãy đánh dấu chúng bằng sắc màu riêng. Ví dụ, bạn nên sơn những màu rực rỡ, nổi bật vào các vật dụng sử dụng khi khẩn cấp như bình chữa cháy, lối thoát hiểm,…

4.3 Sạch sẽ

Một môi trường sạch sẽ sẽ tạo ra một sản phẩm chất lượng. Seiso cần thực hiện hàng ngày, hàng tuần một cách thường xuyên, liên tục. Bạn đừng đợi đến lúc bẩn mới dọn dẹp, lau chùi. Bạn hãy dành 5 phút vệ sinh mỗi ngày để đồ vật không có cơ hội dính bụi bẩn, tự dọn dẹp nơi làm việc của mình nếu muốn có một môi trường sạch đẹp.

Đây còn là bước để kiểm tra cho tổ chức. Việc vệ sinh thường xuyên còn giúp kiểm tra các đồ vật hư hỏng, bụi bẩn, tránh hỏng hóc.

4.4 Săn sóc

Săn sóc giúp tạo ra một hệ thống để duy trì và giữ gìn sự sạch sẽ tại nơi làm việc. Bạn cần tạo ra một lịch làm vệ sinh cụ thể.

Cụ thể, bạn hãy đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng để đánh giá hiệu quả của việc săn sóc. Bạn nên thiết kế ra các nhãn mác rõ ràng về tiêu chuẩn cho các vị trí quy định, thiết lập thống nhất về giới hạn, vị trí.

4.5 Sẵn sàng

Đây là bước khó khăn bởi các nhân viên cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Chữ S này cần được thực hiện một cách tự giác mà không cần ai nhắc nhở, ra lệnh, sẵn sàng một cách tự giác để trở thành một thói quen.

5S tạo ra bầu không khí lành mạnh và thoải mái cho nhân viên. Việc đảm bảo mọi người đều hiểu và đồng lòng sẽ tạo ra thành công cho 5S.

5. Triển khai quy trình 5S trong doanh nghiệp như thế nào?

Quy trình 5S thực hiện như thế nào
Triển khai quy trình 5S trong doanh nghiệp như thế nào?

Để triển khai quy trình 5S trong doanh nghiệp, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

5.1 Lập kế hoạch hành động

Trước khi triển khai chương trình 5S trong doanh nghiệp, cấp quản lý cần tổ chức cuộc họp để xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể. Điều này đảm bảo áp dụng 5S một cách hợp lý và hiệu quả.

Để tránh sự mơ hồ và đảm bảo sự thống nhất, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin về tiêu chuẩn 5S trong sản xuất và kinh doanh, mục tiêu, nội dung của quy trình. Đồng thời, có thể tiến hành khảo sát để hiểu ý kiến, thái độ và phản ứng của nhân viên đối với việc áp dụng tiêu chuẩn 5S.

Kế hoạch triển khai cần được xây dựng chi tiết, bao gồm tiến độ đo lường dự kiến. Ngoài ra, có thể thành lập một đội 5S để quản lý việc thực hiện các nguyên tắc 5S trong tổ chức.

5.2 Đào tạo, hướng dẫn thực hiện

Để đạt được thành công trong việc triển khai 5S, điều quan trọng là đảm bảo mỗi cá nhân tham gia đều hiểu cách thực hiện 5S và ý nghĩa của chương trình đối với bản thân cũng như tổ chức. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp đủ thông tin, giải thích về giá trị của việc thực hiện 5S để nhân viên có động lực và tăng cường tinh thần trách nhiệm.

Doanh nghiệp cần đặt ra kết quả kỳ vọng khả thi và mục tiêu thực tế sau khi triển khai chương trình để mọi người đồng lòng và không có cảm giác hoang mang. Đồng thời, kết quả kỳ vọng này cần được đảm bảo bởi các cá nhân liên quan để tăng tính cam kết và độ uy tín trong quá trình thực hiện 5S.

Ngoài ra, cần nâng cao tinh thần cải tiến và đoàn kết để cùng nhau tìm hiểu và giải quyết nguồn gốc khi gặp vấn đề trong quá trình triển khai 5S, thay vì đổ lỗi và chỉ trích người khác.

5.3 Triển khai thực hiện

Bước thứ 3 là thực hiện triển khai 5S trong thực tế. Đây là giai đoạn mà các hoạt động cụ thể như sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng được thực hiện. Các công cụ, quy trình và phương pháp cần được áp dụng để thực hiện các bước này một cách hợp lý, có hiệu quả. Mục tiêu là tạo ra môi trường làm việc gọn gàng, sạch sẽ, tiết kiệm, nâng cao hiệu suất và tăng cường sự tổ chức, kỷ luật trong tổ chức.

5.4 Đánh giá, cải tiến

Sau khi triển khai 5S, doanh nghiệp cần tiếp tục cải tiến và đánh giá kết quả đạt được. Đánh giá này giúp xác định những khía cạnh thực hiện tốt và tạo chuẩn cho các lần triển khai sau. Ngoài việc tự đánh giá, doanh nghiệp cũng cần học hỏi từ các doanh nghiệp khác đã áp dụng 5S để tìm hiểu, so sánh và rút kinh nghiệm, từ đó cải tiến và tối ưu hóa quy trình 5S trong tương lai.

5.5 Duy trì thực hiện

Duy trì thực hiện 5S là bước cuối cùng nhưng quan trọng trong quy trình. Nó đòi hỏi mỗi nhân viên phải biến việc thực hành 5S thành thói quen và một phần của văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đối chiếu kết quả thực tế với kỳ vọng ban đầu, tuyên dương thành tích và sử dụng nó làm động lực để duy trì việc thực hiện.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tuân thủ các bước thực hiện 5S đúng, đủ để đảm bảo tính kế thừa và ý nghĩa của việc duy trì.

6. Đối tượng nào nên áp dụng quy trình 5S?

Quy trình xây dựng 5S tại nơi làm việc
Đối tượng nào nên áp dụng quy trình 5S?

Quy trình 5S có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp, tổ chức, bất kể quy mô và ngành nghề. Cụ thể, những đối tượng nên áp dụng quy trình 5S bao gồm:

  • Các doanh nghiệp sản xuất: Quy trình 5S giúp cải thiện quy trình sản xuất, tăng năng suất, giảm lãng phí, cải thiện chất lượng và an toàn lao động.
  • Các doanh nghiệp dịch vụ: Quy trình 5S giúp cải thiện tổ chức và hiệu suất làm việc của nhân viên, tăng khả năng phục vụ khách hàng, tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ và chuyên nghiệp.
  • Các tổ chức công cộng: Quy trình 5S giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý các cơ quan, cải thiện hình ảnh tổ chức trước công chúng, tạo môi trường làm việc tốt cho cán bộ, nhân viên.
  • Cá nhân: Quy trình 5S có thể áp dụng trong cuộc sống cá nhân để tạo ra môi trường sống gọn gàng, sạch sẽ, tăng cường sự tổ chức và hiệu suất làm việc.

7. Nhân sự đóng vai trò gì trong 5S?

Nhân sự đóng vai trò quan trọng trong quy trình 5S và có những nhiệm vụ chính sau:

  • Lãnh đạo và quản lý: Lãnh đạo và quản lý có trách nhiệm xác định, thông báo về ý nghĩa, mục tiêu, lợi ích của 5S cho toàn bộ nhân viên. Họ cần tạo ra môi trường ủng hộ và định hướng cho quá trình triển khai, duy trì 5S.
  • Đội ngũ triển khai 5S: Đội ngũ này có trách nhiệm thực hiện các bước và hoạt động 5S trong doanh nghiệp. Họ sẽ triển khai các hoạt động như sắp xếp, sắp đặt, làm sạch, duy trì và tuân thủ quy tắc 5S.
  • Các nhân viên: Tất cả nhân viên trong doanh nghiệp đều có trách nhiệm tham gia và thực hiện các hoạt động 5S trong vị trí, phạm vi công việc của mình. Họ cần tuân thủ quy tắc, quy trình 5S, duy trì sự sạch sẽ, gọn gàng và tổ chức trong môi trường làm việc của mình.
  • Các nhóm làm việc và tổ chức: Các nhóm làm việc và tổ chức có thể được hình thành để đảm nhận trách nhiệm quản lý và thực hiện 5S trong các khu vực, bộ phận hoặc phòng ban cụ thể. Họ sẽ giám sát tiến trình, cung cấp hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai và duy trì 5S.

Tổ chức và sự hợp tác của nhân sự từ cấp lãnh đạo đến nhân viên có vai trò rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả của quy trình 5S và đạt được mục tiêu cải thiện tổ chức, tăng năng suất làm việc.

8. Các yếu tố tạo nên sự thành công của quy trình 5S

Quy trình 5S
Các yếu tố tạo nên sự thành công của quy trình 5S

Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của quy trình 5S, trong đó quan trọng nhất là 4 yếu tố sau:

8.1 Lãnh đạo cam kết, hỗ trợ

Yếu tố đầu tiên tạo nên thành công cho phương pháp 5S chính là lời cam kết của lãnh đạo. Sự hiểu biết, ủng hộ và đồng tình của lãnh đạo khi có sự hình thành các nhóm cộng tác là vô cùng cần thiết.

8.2 Tiến hành đào tạo

Để mọi người nhận thức được vai trò, lợi ích của 5S là yếu tố tiên quyết đến sự thành công của phương pháp này. Doanh nghiệp cần cung cấp cho mọi người những kiến thức, cách tiến hành cơ bản của 5S.

8.3 Tự nguyện tham gia

Sau khi nhận thức được ý nghĩa, họ sẽ tự giác, chủ động tiến hành 5S như một thói quen. Tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần tự nguyện của mọi người là yếu tố căn bản của 5S.

8.4 Lặp lại chu trình 5S với tiêu chuẩn cao hơn

Chu trình thực hiện 5S cần sự lặp lại liên tục, không ngừng nghỉ. Điều này nhằm duy trì, cải tiến công tác quản lý của tổ chức.

9. Lưu ý khi sử dụng phương pháp 5S

Khi sử dụng phương pháp 5S trong doanh nghiệp, có những lưu ý quan trọng sau đây:

  • Cam kết từ lãnh đạo: Lãnh đạo cần cam kết và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc triển khai 5S. Họ phải lấy 5S là một phần trong văn hóa và quy trình làm việc hàng ngày của doanh nghiệp.
  • Đào tạo và giáo dục: Cung cấp chương trình đào tạo và giáo dục về 5S cho toàn bộ nhân viên, đảm bảo mọi người hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu và quy trình của 5S cũng như lợi ích mà nó mang lại cho tổ chức, cá nhân.
  • Có sự tham gia của toàn bộ nhân viên: Đảm bảo sự tham gia và đóng góp của tất cả nhân viên trong quá trình triển khai 5S, tạo cơ hội cho mọi người để thể hiện ý kiến và đề xuất cải tiến, đồng thời đảm bảo sự tổ chức và thực hiện các hoạt động 5S theo quy trình.
  • Định kỳ duy trì: Thiết lập lịch trình duy trì 5S định kỳ, giám sát việc tuân thủ, kiểm tra, bảo trì sự sạch sẽ, gọn gàng và tổ chức trong suốt quá trình làm việc.
  • Tinh thần cải tiến liên tục: Khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình cải tiến liên tục của 5S, tạo ra môi trường mà mọi người đề cao việc tìm kiếm cách cải thiện, nâng cao hiệu suất của quy trình 5S.
  • Tự chủ và trách nhiệm: Tạo ra sự tự chủ và trách nhiệm cho từng cá nhân trong việc duy trì và thực hiện 5S trong vị trí, phạm vi công việc của họ, khuyến khích sự tự giác và ý thức về tinh thần 5S.
  • Đo lường và đánh giá: Thực hiện đo lường và đánh giá kết quả của 5S để xác định tiến bộ và đề xuất các biện pháp cải tiến. Doanh nghiệp cần sử dụng các chỉ số và tiêu chí phù hợp để đo lường hiệu suất, đánh giá sự thành công của 5S.
  • Học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm: Tạo cơ hội cho nhân viên học hỏi từ nhau và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai 5S, xây dựng một môi trường hỗ trợ, khuyến khích sự trao đổi thông tin, ý tưởng giữa các thành viên trong tổ chức.
  • Giải quyết vấn đề và phản hồi: Tạo cơ hội cho nhân viên tham gia vào việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai 5S, xử lý các vấn đề một cách kịp thời và đáp ứng phản hồi từ nhân viên để cải thiện quy trình 5S.

5S là gì? 5S là một phương pháp quản lý tổ chức và sắp xếp nơi làm việc, tập trung vào năm tiêu chí: Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc) và Shitsuke (Sẵn sàng). Qua việc thực hiện 5S, các doanh nghiệp có thể tăng năng suất, cải thiện chất lượng và tạo ra môi trường làm việc an toàn, hiệu quả. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc có cái nhìn chính xác nhất về quy trình 5S trong doanh nghiệp.

Tham khảo thêm về cách sắp xếp văn phòng làm việc, sắp xếp công việc hiệu quả để có một không gian thoải mái, làm việc đạt năng suất cao nhất nhé.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: