30 ngày sau giãn cách xã hội, cung không đủ cầu, người tìm việc tăng vọt, nhà tuyển dụng vẫn chưa hết lao đao

Đánh giá post

Nhiều người cho rằng thời điểm sau giãn cách xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng vọt lại như thời điểm trước dịch, tuy nhiên thực tế lại không cho thấy như vậy.

Qua thống kê của công ty JobsGO, lượng người tìm việc đạt mốc 250% so với thời điểm trong dịch bệnh. Tuy nhiên, đáp lại con số này là số lượng nhà tuyển dụng có nhu cầu lại không tăng theo kịp, ước tính chỉ tăng khoảng 40-50% so với tháng 4, tương đương 60-70% so với thời điểm trước dịch bệnh. 

Anh Hải – CEO JobsGO chia sẻ: Việt Nam dù có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh, và cũng không phải trải qua đỉnh dịch kinh hoàng như các nước khác, tuy nhiên để nền kinh tế nói chung và vấn đề tuyển dụng việc làm nói riêng ổn định lại thì còn là một con đường rất dài, có thể lên tới 1-2 năm.

Trải qua vùng trũng kinh tế mang tên Covid-19, rất nhiều các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện đã phải ngừng hoạt động – một trong số đó chính là cái tên WeFit – startup vốn được kì vọng sẽ trở thành kì lân đất Việt. Đây cũng là lý do mà nhu cầu tuyển dụng sụt giảm hẳn và rất khó lấy lại phong độ chỉ trong vài tuần hay vài tháng. Thời điểm hiện tại, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn là ngành Du lịch và Khách sạn, với lượng khách trong tháng 4 giảm tới 99%, hầu như toàn bộ các khách sạn đều đã phải thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. 

Với diễn biến phức tạp của nền kinh tế hiện tại, khá nhiều doanh nghiệp đã lập tức thay đổi mô hình tuyển dụng và quản trị nhân sự từ tuyển dụng nhân viên chính thức sang những chức vụ khác bất ổn hơn như “Cộng tác viên”, nhằm tránh ràng buộc về pháp lý và để giảm thiểu chi phí công ty phải chi trả, đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Cách tuyển dụng và quản trị này thường được áp dụng tại các agency marketing do tính chất công việc và nhân lực trong ngành này hoạt động dưới dạng freelancer hiện đang khá phổ biến.

Thế hệ 1997 trở đi sẽ là thế hệ cần phấn đấu rất nhiều để tránh thất nghiệp

Một tháng cách ly nghe có vẻ không dài so với tình trạng hiện tại của các nước phát triển như Trung Quốc, Mỹ… nhưng thực sự đã tạo ra cú sốc khá lớn với kinh tế tại Việt Nam. Với nhu cầu nhân lực thay đổi như hiện tại, các nhà tuyển dụng đang có xu hướng tuyển dụng những người đã có sẵn kinh nghiệm 1-2 năm nhằm cắt giảm chi phí đào tạo. Cụ thể, Tỉ lệ vượt qua vòng CV của ứng viên mới tốt nghiệp, độ tuổi 22-23, với số năm kinh nghiệm bằng 0 đã giảm khoảng 20% so với thời điểm trước dịch – thống kê theo chỉ số trên hệ thống website tuyển dụng JobsGO.

Tuy nhiên với những ứng viên đã có ít nhiều kinh nghiệm làm việc từ khi đi học như Thực tập, làm part-time, cộng tác viên,… tỉ lệ được chọn CV của nhóm này vốn đã cao, tăng 13% so với trước đó. Con số thống kê này tuy không lớn nhưng cũng có thể chỉ ra rằng, sinh viên từ 1997 – thuộc thế hệ Z – cần năng động hơn để bắt kịp nhu cầu hiện tại của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh có tới hàng trăm ngàn người đang thất nghiệp như hiện tại.

Với mong muốn giảm tỉ lệ thất nghiệp và tăng tương tác giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, JobsGO hiện đang phát triển tính năng gọi video trực tuyến trên ứng dụng di động. Tính năng này được kì vọng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng trong quá trình tìm việc và tuyển dụng. 

Anh Hải – CEO JobsGO chia sẻ thêm: “Nhà tuyển dụng thời điểm này còn khắt khe hơn trước nhiều do ngân sách eo hẹp, những bạn mới ra trường còn phải cạnh tranh với những người đã dày dạn kinh nghiệm. Trước khi 4 năm đại học kết thúc, các bạn sinh viên sẽ cần tìm kiếm những cơ hội phát triển cho bản thân nhiều hơn, như đi Thực tập hoặc tham gia các hoạt động xã hội trau dồi kiến thức xã hội và chuyên môn.”

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: